Đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới

08:04, 09/04/2019

Một trong những tiêu chí quan trọng, xuyên suốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào trồng là một hướng khai thác kinh tế vườn, vừa tạo thêm thu nhập cho kinh tế hộ, vừa cải thiện môi trường sống, chỉnh trang diện mạo nông thôn.

Mô hình cải tạo vườn tạp của ông Trần Quang Nguyện, Bí thư Chi bộ xóm 4, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường).
Mô hình cải tạo vườn tạp của ông Trần Quang Nguyện, Bí thư Chi bộ xóm 4, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường).

Phát triển kinh tế vườn trong một thời gian dài ở các địa phương trong tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có; năng suất của các loại cây trồng không cao và chưa ổn định; đầu tư của nông dân còn thấp; kỹ thuật còn hạn chế; việc lựa chọn cây trồng còn thiếu tính chiến lược, quá nhiều loại cây trên một mảnh vườn; tính sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế còn thấp. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình cải tạo vườn tạp thành công. Tiêu biểu nhất là mô hình cải tạo vườn tạp thành khu vườn kiểu mẫu tại xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu). Xuất phát từ yêu cầu chỉnh trang khuôn viên nhà ở nông thôn (thường gắn với sân và vườn tạp) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trồng vườn, Đảng ủy, chính quyền xã Hải Bắc đã xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn theo hướng bố trí lại không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng phù hợp có hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước hình thành các vườn mẫu ở các làng quê. Xã đã chọn xóm 4 làm điểm thực hiện cải tạo vườn tạp thành khu vườn kiểu mẫu. Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng, xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể và xóm hỗ trợ đoàn viên, hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất từ các tổ, nhóm tiết kiệm cũng như thường xuyên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phổ biến các phương thức, mô hình cải tạo vườn tạp sang vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Phạm Thị Lý, người đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp cho biết: Trước đây, toàn bộ 1ha vườn của gia đình trồng một số loại cây ăn quả truyền thống phổ biến như nhãn, chuối nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, khi có chủ trương của xã, gia đình bà đã cải tạo lại toàn bộ diện tích vườn tạp đào ao, lập vườn. 700m2 ao bà nuôi các loại cá trắm, chép, trôi; trên bờ chọn trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bưởi Diễn, bưởi da xanh và cam Đường Canh. Sau gần 3 năm cải tạo, bà đã thu về hơn 100 triệu đồng. Những năm tới, khi các loại cây ăn quả sinh trưởng ổn định, gia đình bà sẽ thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ kinh tế vườn. Chủ tịch UBND xã Hải Bắc Lê Duy Dương chia sẻ: Hiện nay, xã đang tập trung cao thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao với mục tiêu tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Do vậy chủ trương cải tạo vườn tạp thành khu vườn kiểu mẫu được xã chỉ đạo tích cực. Mỗi khu vườn đều được trồng xen canh các loại cây ăn quả, rau củ, cây cảnh kết hợp với nuôi thủy sản hợp lý theo các điều kiện của mỗi gia đình. Hiện tại xã Hải Bắc đã hình thành khoảng 1.000 mô hình khu vườn kiểu mẫu, không chỉ cải thiện mỹ quan mà còn giúp các hộ dân có nguồn thu nhập thêm ổn định. Mô hình cải tạo vườn tạp, nhân rộng khu vườn kiểu mẫu ở Hải Bắc đang được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan và học tập. Ở huyện Xuân Trường, xóm 4, xã Thọ Nghiệp cũng được lựa chọn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, hiện đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình cải tạo vườn tạp. Là một trong 10 hộ làm điểm cải tạo vườn tạp, ông Trần Quang Nguyện, bí thư Chi bộ xóm 4 cho biết: Từ 450m2 đất vườn tạp tôi cải tạo lại thành 3 khu. Khu 1, đào ao nuôi cá trắm cỏ, cá trôi, tận dụng xung quanh bờ ao trồng rau các loại phục vụ nhu cầu của gia đình; khu 2 trồng các loại cây ăn quả lưu niên có giá trị kinh tế cao như: hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi Diễn, mít; khu 3 chuyên trồng chuối tiêu; vườn trước sân trồng một số loại cây cảnh. Sau gần 4 năm cải tạo, giá trị thu nhập từ khu vườn đạt hơn 100 triệu đồng. Hiện tôi tiếp tục đầu tư xây rãnh thoát nước, thiết kế lối đi lại để hoàn thiện khu vườn. Ngoài 2 địa phương tiêu biểu kể trên, tại xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), nhiều hộ cải tạo vườn tạp, tận dụng đất chuyển đổi, đất lúa kém hiệu quả sang trồng đinh lăng với quy mô lớn. Hiện, diện tích trồng đinh lăng ở xã lên tới trên 30ha. Sản phẩm đinh lăng được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Thắng ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ với Công ty Cổ phần Traphaco. Nhiều hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cải tạo vườn tạp sang trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO như hộ các ông: Vũ Văn An, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Hưng… Ở xã Giao Hà (Giao Thủy), hưởng ứng vận động của xã đã có 50-60 hộ dân chuyển đổi 20ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, đào, quất, hoa cúc, nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 lên 43 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,8%.

Năng động, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt xu hướng sản phẩm thị trường, nhiều địa phương, hộ gia đình đã cải tạo vườn tạp, hình thành nên những khu vườn kiểu mẫu cho giá trị kinh tế cao. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế vườn; phổ biến các kiến thức làm vườn đến tận hộ dân. Hướng dẫn các hộ dân tiến hành quy hoạch, bố trí lại vườn khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, mang tính hàng hóa, đảm bảo về môi trường, sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chuyên môn cần có các giải pháp tích cực để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, đăng ký thương hiệu, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com