Tỉnh ta có 612ha sản xuất muối tại 9 xã và 2 thị trấn của 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Nghề muối hiện cho thu nhập chưa cao, chủ yếu vẫn là giải quyết việc làm cho nhiều lao động thủ công. Tỉnh và các địa phương đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập cho người làm muối, góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng ven biển.
Năm 2018, bình quân giá trị sản xuất muối của tỉnh ta đạt khoảng 150 triệu đồng/ha. Tuy thu nhập của nghề muối đã từng bước được cải thiện song vẫn thấp hơn nhiều so với các nghề khác như: dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng dân dụng và trồng hoa màu… nên tình trạng diêm dân bỏ ruộng không sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất khác diễn ra khá phổ biến. Hiện tại, trong tổng số 612ha đất quy hoạch sản xuất muối chỉ có 269ha được đưa vào sản xuất. Số hộ làm muối chỉ còn 7.578 hộ, giảm 550 hộ so với năm trước, với khoảng 14.900 lao động. Ngoài thu nhập thấp, khó khăn diêm dân đang gặp phải hiện nay là mức đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất muối còn quá thấp so với nhu cầu. Hệ thống ô nề, thống, chạt, sân phơi đã xuống cấp song mới chỉ được sửa chữa tạm thời, chắp vá. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối còn nhiều hạn chế. Các mô hình khuyến diêm còn ít về số lượng, thực hiện đơn lẻ, thiếu giải pháp đồng bộ, tính thuyết phục chưa cao, thiếu bền vững. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các hợp tác xã nghề muối đã có chuyển biến song không đồng đều, chưa tạo lập được mối quan hệ bền vững dựa trên cơ chế phân bổ lợi nhuận theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới lưu thông giữa “diêm dân - hợp tác xã - doanh nghiệp”, do đó chưa hỗ trợ được nhiều cho kinh tế hộ phát triển. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất muối còn ít; những bất cập trong khâu quản lý nhập khẩu muối ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất muối trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
Diêm dân xã Hải Lý (Hải Hậu) thu hoạch muối. |
Năm 2019, toàn tỉnh đặt mục tiêu giữ vững diện tích muối sản xuất hiệu quả, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tốt sản xuất muối tập trung. Mở rộng diện tích sản xuất muối sạch, áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ mới trong sản xuất, chế biến; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất muối. Cụ thể, phấn đấu đưa 300ha vào sản xuất muối, sản lượng 25 nghìn tấn; mở rộng diện tích sản xuất muối sạch lên 50ha. Bước vào vụ muối mùa năm nay, một yếu tố thuận lợi là một số doanh nghiệp thu mua, chế biến muối đã đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, cải tiến công nghệ phát triển công nghiệp chế biến muối, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và góp phần đẩy mạnh tiêu thụ. Ði đầu trong lĩnh vực chế biến muối của tỉnh là Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Ðịnh (Thành phố Nam Ðịnh). Bà Trần Thị Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Muối biển Nam Ðịnh đã được cơ quan chuyên môn đánh giá cao về chất lượng, giá trị dinh dưỡng. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, từ hạt muối của diêm dân, Công ty đã chế biến nhiều sản phẩm như: muối biển nhạt Royal với độ mặn dịu, có hàm lượng Sodium thấp hơn 3% so với muối thường giúp giảm các nguy cơ về bệnh tim mạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; muối sạch, muối I-ốt và muối thảo dược ngâm chân Royal. Các sản phẩm của Công ty đều được phân tích chất lượng và công bố phù hợp, có nhãn mác. Mỗi năm, Công ty tiêu thụ khoảng 15-20 nghìn tấn sản phẩm. Ðặc biệt, trong năm 2018, Công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hơn 200 tấn sản phẩm, mở ra hướng phát triển mới trong lĩnh vực sản xuất - chế biến muối của tỉnh. Ðể hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các hợp tác xã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội nghị khách hàng, ký hợp đồng tiêu thụ muối với diêm dân ngay từ đầu vụ. Toàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm muối bằng hình thức thu mua trực tiếp của diêm dân hoặc thông qua các hợp tác xã dịch vụ. Tổng sản lượng muối thu mua chế biến và tiêu thụ của các doanh nghiệp mỗi năm là gần 80 nghìn tấn. Ðiển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Hải (Giao Thủy) mỗi năm thu mua 10 nghìn tấn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Muối và Thương mại Hải Hậu thu mua 8.000 tấn/năm; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Muối Bạch Long thu mua 6.000 tấn/năm… Tuy nhiên lượng muối sản xuất trong tỉnh hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu chế biến, tiêu thụ của các doanh nghiệp nên các doanh nghiệp phải nhập muối nguyên liệu để đảm bảo đủ năng lực sản xuất, kinh doanh. Mặt khác do sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp thường nhập muối nguyên liệu từ các tỉnh miền Trung, miền Nam có giá thành rẻ để chế biến, do đó dù muối nguyên liệu chất lượng tốt, không đủ lượng để bán nhưng diêm dân vẫn không bán được giá cao, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận diêm dân bỏ làm muối.
Thời gian qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chính quyền các địa phương, các hợp tác xã và diêm dân trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện sản xuất. Các hợp tác xã sản xuất muối đã sớm xây dựng kế hoạch nạo vét kênh mương tưới tiêu, tu bổ các công trình thủy lợi; phối hợp chặt chẽ với các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tổ chức nạo vét các tuyến sông chính, các cửa cống lấy nước từ biển, đảm bảo điều tiết nước kịp thời, phù hợp giữa sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản. Các hộ dân tập trung sửa chữa và làm mới ô kết tinh, thống cái, thống con, cài đảo chạt. Trong nỗ lực duy trì nghề muối và cải thiện đời sống diêm dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng mô hình sản xuất muối sạch, hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế đạt cao hơn 30-40% so với phương pháp sản xuất truyền thống nên được diêm dân nhiệt tình hưởng ứng, diện tích muối sạch được mở rộng qua từng năm. Tính đến tháng 12-2018, diện tích sản xuất muối sạch đạt 45ha, năng suất bình quân ước đạt 35 tấn/ha. Từ nguồn kinh phí khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ cho 2 cơ sở chế biến muối đầu tư máy nghiền và máy trộn muối I-ốt mới ở các huyện Hải Hậu và Giao Thủy. Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối không nhiều nhưng cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và diêm dân trong sản xuất, tiêu thụ muối.
Ðể đảm bảo một mùa muối mới hiệu quả cho diêm dân, ngành Nông nghiệp thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để thông báo, hướng dẫn diêm dân các kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất muối, cải tạo nội đồng để giảm thiểu cường độ lao động cho diêm dân, nâng cao năng suất, chất lượng muối. Tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới gắn với xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia tiêu thụ muối cho diêm dân; đầu tư, hỗ trợ diêm dân sản xuất muối sạch, muối chất lượng cao. Tăng cường quảng bá tiêu thụ sản phẩm muối đặc trưng của tỉnh, nâng giá thu mua muối sạch cho diêm dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh