Xuân Kiên xây dựng cánh đồng lớn, thâm canh, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa

08:03, 26/03/2019

Dồn điền đổi thửa để tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn là chủ trương lớn nhằm chuyển dịch nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Xã Xuân Kiên (Xuân Trường) là một trong những địa phương thực hiện rất hiệu quả chủ trương này, xây dựng được 4 cánh đồng lớn thâm canh, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, tạo được một số đột phá trong sản xuất nông nghiệp và đổi mới tư duy của nông dân.

Cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Kiên kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển lúa xuân.
Cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Kiên kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển lúa xuân.

Sau dồn điền đổi thửa vào năm 2011, xã Xuân Kiên đã huy động nông dân góp trên 120 nghìn m2 đất để chỉnh trang, kiến thiết lại đồng ruộng, mở rộng đường nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Từ bình quân 3-4 thửa/hộ, sau dồn tập trung chỉ còn 1 thửa/hộ. 20km đường giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp cứng hóa, mở rộng nền đường 5m, mặt đường 3m, tạo điều kiện thuận lợi cho đưa các loại phương tiện, máy móc xuống đồng. Bên cạnh đó, xã đã đầu tư kiên cố hóa 28 kênh cấp III với tổng chiều dài 8km nhằm chủ động công tác tưới tiêu, đáp ứng yêu cầu thâm canh cao, đồng thời phát triển, nhân rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung. Đến nay, đồng ruộng của 100% hộ nông dân ở Xuân Kiên đều có kênh mương kiên cố, đường ra đồng rộng 3m. Sau khi đồng ruộng liền thửa, xã Xuân Kiên tập trung chỉ đạo thực hiện việc xây dựng cánh đồng lớn. Toàn bộ hơn 200ha gieo cấy lúa của xã đã được xây dựng thành 4 cánh đồng lớn, diện tích mỗi cánh đồng 50ha, thực hiện đồng bộ 3 “cùng”: cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác, từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Cũng nhờ sản xuất tập trung nên công tác chỉ đạo điều hành thuận lợi, đạt hiệu quả thống nhất cao, các cánh đồng lớn ở Xuân Kiên đều được đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác và cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường. Cụ thể, về cơ cấu giống, xã Xuân Kiên chỉ đạo nông dân gieo cấy tập trung 1 giống lúa thuần chất lượng cao trên 1 cánh đồng, là giống có khả năng sâu kháng bệnh tốt, phù hợp với đặc thù đồng đất của địa phương. Ở vụ xuân, sử dụng giống lúa thuần BT7, Nếp 97; vụ mùa gieo cấy các giống lúa năng suất, chất lượng khá, kháng bệnh bạc lá như Lam Sơn 8, Lam Sơn 10, Dự hương. Trong suốt các vụ sản xuất, Ban Nông nghiệp xã đã bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác kiểm tra, dự tính, dự báo, kịp thời nắm bắt tình hình sâu bệnh, thông báo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân chủ động các biện pháp phòng trừ; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa: quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), mô hình “3 giảm, 3 tăng”… từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây lúa trong từng giai đoạn; đồng thời hướng dẫn nông dân nghiên cứu đồng ruộng, tiếp cận phương pháp quản lý dịch hại và nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững. Hiệu quả của sản xuất theo cánh đồng lớn thể hiện rõ khi năng suất lúa của Xuân Kiên luôn đạt từ 130-135 tạ/ha/năm, nằm trong những địa phương có năng suất lúa cao nhất tỉnh. Ông Mai Văn Thức, trưởng xóm 10B cho biết: “Trước đây cũng trên cánh đồng này, nhiều hộ không mặn mà đầu tư, chỉ làm được chăng hay chớ, giống sử dụng thì tùy thích, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng mỗi nhà thực hiện một kiểu vào các thời điểm khác nhau nên hiệu quả sản xuất không được cao. Nhờ sản xuất trên cánh đồng lớn nên chúng tôi thấy rõ lợi ích của việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, năng suất lúa vụ sau luôn cao hơn vụ trước. Vui hơn nữa là sản xuất theo tập thể khiến tình làng, nghĩa xóm gắn bó hơn”.

Cái được lớn hơn từ xây dựng cánh đồng lớn ở Xuân Kiên ngoài vai trò chỉ đạo của chính quyền xã được nâng cao thì Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng phát triển kinh doanh các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là các dịch vụ đồng ruộng thiết yếu như: cung ứng vật tư nông nghiệp, làm đất, thủy nông, bảo vệ thực vật, thu hoạch… Đồng chí Đinh Văn Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Hiện nay, 100% diện tích trồng lúa ở các cánh đồng lớn được thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo sạ đến khâu thu hoạch. Hợp tác xã tổ chức dịch vụ làm đất tập trung; máy gặt của người dân trong xã được tập hợp do Hợp tác xã điều hành sắp xếp, thống nhất lịch gặt chung ở từng cánh đồng lớn. Vì vậy, mặc dù 4 cánh đồng lớn với tổng diện tích 200ha nhưng đều thực hiện chung theo 1 lịch thời vụ nên trong vụ xuân, nông dân gieo sạ chỉ trong 3-4 ngày là hoàn thành ở tất cả các cánh đồng. Vì cùng giống, cùng lịch thời vụ nên lúa chín tập trung, gặt bằng máy chỉ 5-6 ngày đã thu hoạch gọn hết các cánh đồng, thậm chí có thời điểm gặt chạy bão chỉ trong 3 ngày là xong”. “Là xã có nghề cơ khí phát triển mạnh, lao động thu nhập cao nên thu hút nhiều nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ nên nông nghiệp thiếu lao động; nhất là vào thời vụ. Tuy nhiên, do tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất cao, Hợp tác xã thực hiện tốt các dịch vụ này nên vẫn đảm bảo sản xuất, không có ruộng bị bỏ hoang” - anh Tâm cho biết thêm. Bà Đinh Thị Ré, xóm 13 chia sẻ: “Hợp tác xã điều hành, cung ứng dịch vụ gặt một cách khoa học, tập trung trên tổng diện tích gieo cấy của xã nên chủ động được vị trí, thời gian gặt, giảm được giá so với gặt diện tích nhỏ. Hiện tiền công gặt chỉ từ 100-110 nghìn đồng/sào, giảm 20-30 nghìn đồng/sào so với thuê máy ở ngoài. Bên cạnh đó, việc tổ chức gieo sạ cũng giảm chi phí vì 1 người gieo sạ chỉ mất 30-45 phút cho 1 sào, trong khi cấy 1 sào phải mất 1 ngày, công cấy hiện nay phải 250-300 nghìn đồng/sào. Như vậy, tham gia cánh đồng lớn, chưa tính đến năng suất cao hơn, mà chỉ tính riêng chi phí đầu tư sản xuất chúng tôi đã giảm 200 nghìn đồng/sào trở lên”.

Có thể nói việc xây dựng các cánh đồng lớn thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại xã Xuân Kiên đã góp phần thay đổi mạnh mẽ tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung. Nhận thức, ý thức cộng đồng và trình độ thâm canh của nông dân được nâng lên rõ rệt. Đây là chìa khóa tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trong xã, qua đó góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com