I. Thực trạng môi trường làng nghề
Toàn tỉnh hiện có trên 100 làng nghề sản xuất đa dạng các ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Không chỉ góp phần tăng thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân địa phương, các làng nghề còn tạo ra nhiều sản phẩm thiết yếu cho xã hội, phát triển kinh tế, giúp tăng ngân sách cho địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hoạt động sản xuất ở làng nghề chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).
Nghề cơ khí đúc tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, nước. (Trong ảnh: Sản xuất tại Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí đúc Tân Tiến, làng nghề Thị trấn Lâm, Ý Yên). |
Theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14-10-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương có làng nghề phải thực hiện tiêu chí môi trường với các nội dung: phải có phương án BVMT làng nghề được UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện BVMT theo phương án đã được phê duyệt. Hạ tầng về BVMT làng nghề phải có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, ứ đọng nước thải và ngập úng. Hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có) phải đảm bảo công suất xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng đối với tổng thể lượng nước thải phát sinh từ làng nghề trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh, khu xử lý chất thải rắn bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý nằm ngoài địa bàn. Có tổ tự quản về môi trường do UBND cấp xã quyết định thành lập và có quy chế hoạt động, trang bị phương tiện và bảo hộ lao động đầy đủ. Tuy nhiên, đến nay theo Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh chỉ có 33 làng nghề có phương án BVMT được phê duyệt. Cụ thể, huyện Xuân Trường có 7 làng nghề, huyện Nghĩa Hưng có 4 làng nghề, huyện Nam Trực có 5 làng nghề, huyện Giao Thủy có 1 làng nghề, huyện Trực Ninh có 9 làng nghề, huyện Mỹ Lộc có 1 làng nghề, huyện Ý Yên có 6 làng nghề. Đến thời điểm hiện nay, các làng nghề mới chỉ quan tâm xây dựng đường giao thông để tăng năng lực giao thông vận tải, mà chưa quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật BVMT. Trên toàn tỉnh, chỉ có làng nghề Bình Yên xã Nam Thanh (Nam Trực) được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề (nay là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới); làng nghề Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý sơ bộ nước thải do Dự án hợp tác về quản lý chất thải nguy hại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ tài trợ xây dựng từ năm 2004, nhưng đến nay không duy tu, cải tạo nên đã xuống cấp. Các làng nghề còn lại chưa có khu xử lý nước thải tập trung cũng như chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh; nước mưa, nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất được thu gom chung, không qua xử lý mà thải trực tiếp ra kênh, mương, ao hoặc ruộng lúa xung quanh làng nghề. Hiện nay, tất cả các hộ sản xuất trong các làng nghề có phát sinh khí thải đều chưa quan tâm đến công tác giảm thiểu, xử lý khí thải trong quá trình sản xuất. Khí thải phát sinh do đốt than và các hơi hóa chất độc hại như hơi axít, dung môi, hơi kim loại... gây ô nhiễm không khí cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động và người dân sống trong khu vực. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường không khí hàng năm trên toàn tỉnh thì hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề không đầu tư hệ thống xử lý khí thải nên gây ô nhiễm môi trường không khí cục bộ; tại một số làng nghề có gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm. Trong đó, các làng nghề có hoạt động sản xuất gây ô nhiễm không khí gồm: làng nghề Bình Yên phát sinh khí thải do đốt than và mùi hóa chất; làng nghề cơ khí Vân Chàng, làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn xã Nam Mỹ (Nam Trực)... Ngoài ô nhiễm nguồn nước, không khí, kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh năm 2018 còn cho thấy tiếng ồn tại một số làng nghề cơ khí, chế biến đồ gỗ vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) nhưng ở mức thấp. Cụ thể, tại làng nghề Tống Xá, xóm 2, xã Yên Xá (Ý Yên) có thông số tiếng ồn vượt giới hạn dưới 2 lần. Để kiểm soát chất lượng nước thải làng nghề, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc tại 5 điểm trên 5 tuyến sông chảy qua khu vực làng nghề, gồm sông Vân Chàng (làng nghề Vân Chàng), sông Lạc Chính (làng nghề Nam Dương), sông Tam Tòa (làng nghề Nghĩa Châu), sông Hùng Vương (làng nghề Quả Linh xã Thành Lợi). Qua kết quả quan trắc cho thấy ở tất cả các điểm đã có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số COD, BOD5 vượt ngưỡng ở các mức độ khác nhau; một số sông chảy qua khu vực làng nghề còn bị ô nhiễm cục bộ bởi các chỉ tiêu như Crom (VI), Fe, Photphat, Phenol… Riêng kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh năm 2018 cho thấy, nước thải của các làng nghề đang có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các thông số COD, BOD5, Coliform, Amoni, Nitơ tổng, P tổng, Sunfua, độ màu, SS đều vượt giới hạn. Cụ thể, mẫu nước thải tại cống thoát nước thải của làng nghề Phong Lộc, vị trí cuối ngõ 186 đường Vũ Hữu Lợi, phường Cửa Nam (Thành phố Nam Định), điểm trước khi thải ra sông có 9/21 thông số vượt QCVN 40:2011 (B) từ 1,1 đến 11,7 lần; mẫu nước thải tại cống thoát nước của làng Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực), tại vị trí trước khi thải ra mương tiêu của xã có 9/21 thông số vượt QCVN 40:2011 (B) từ 1,26 đến 11,3 lần. Hầu hết các làng nghề đều chưa có khu xử lý chất thải rắn riêng mà vẫn thu gom, xử lý chung tại khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã, tiềm ẩn nhiều mối nguy cho môi trường và cộng đồng vì việc thu gom, bảo quản, xử lý chất thải rắn nguy hại của nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa đúng quy định.
Báo cáo công tác bảo vệ môi trường tỉnh năm 2018 của UBND tỉnh chỉ rõ, trên toàn tỉnh có một số loại hình làng nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bao gồm làng nghề gia công cơ khí, tái chế kim loại, mạ; làng nghề dệt may, tẩy nhuộm; làng nghề mây, tre đan; làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm. Trong đó, có thể kể đến những trọng điểm gây ô nhiễm môi trường của tỉnh như: làng nghề Bình Yên ở xã Nam Thanh, Vân Chàng và Đồng Côi ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), làng nghề Tống Xá ở xã Yên Xá (Ý Yên). Ở các làng nghề này nước thải từ sản xuất một phần được quay vòng tái sử dụng, một phần thải trực tiếp ra kênh, mương thoát nước của địa phương gây ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Riêng làng nghề Bình Yên, nước thải được thu gom đưa về trạm xử lý với công suất 500 m3/ngày, đêm nhưng do đặc thù nước thải làng nghề có dư lượng hóa chất gây ô nhiễm cao khiến máy móc thiết bị của Trạm xử lý nước thải tập trung thường xuyên bị hư hỏng, sự cố. Ngoài ra, chất thải nguy hại từ hoạt động tái chế kim loại, đúc, mạ thường không được phân loại xử lý riêng mà thu gom cùng với chất thải sinh hoạt và đem chôn lấp tại bãi rác của địa phương tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, đất. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan như La Xuyên xã Yên Ninh, Yên Tiến xã Yên Tiến (Ý Yên); dệt nhuộm ươm tơ Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh); chế biến thực phẩm Văn Lâm xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) phát sinh nước thải sản xuất không qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề.
Thực trạng trên cho thấy, môi trường làng nghề, bao gồm cả môi trường đất, môi trường nước và không khí trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của làng nghề./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
(Còn nữa)