Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho phát triển kinh tế

07:03, 11/03/2019

Tiếp nối những khởi sắc về tăng trưởng tín dụng của năm 2018, ngành Ngân hàng đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân vay vốn để đầu tư duy trì và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu cho ngân sách.

Nguồn vốn tín dụng giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. (Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Longyu, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực).
Nguồn vốn tín dụng giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. (Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Longyu, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực).

Trong năm 2018, có thêm 2 chi nhánh Ngân hàng thương mại khai trương đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh là Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong và Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ðến nay, toàn tỉnh có 21 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp I, bao gồm 7 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, 11 chi nhánh ngân hàng cổ phần, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Phát triển khu vực Nam Ðịnh - Hà Nam; 42 quỹ tín dụng nhân dân; 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II; 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô; 107 phòng giao dịch; 2 quỹ tiết kiệm; 187 máy ATM và 373 điểm thanh toán chấp nhận thẻ (POS). Theo đánh giá của ngành Ngân hàng, công tác huy động vốn, đầu tư tín dụng cho nền kinh tế đang có sự tăng trưởng khá tích cực ngay từ những tháng đầu năm. Có được bứt phá đó là do toàn ngành đã thực hiện hiệu quả các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho vay các chương trình mục tiêu trọng điểm theo chủ trương chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước như: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, dự án nước sạch nông thôn, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều chương trình cho vay trọng điểm được ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai thực hiện như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đạt 26.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,8% tổng dư nợ cho vay; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt dư nợ 8,3 tỷ đồng; chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QÐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ đạt dư nợ 55 tỷ đồng. Với mục tiêu 100% số hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, ngành Ngân hàng đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ðến nay, các tổ chức tín dụng đã cho vay hơn 20 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn với tổng số tiền đã giải ngân trên 300 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các dự án nước sạch nông thôn đạt trên 895 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,57% tổng nguồn vốn, tăng 108,94 tỷ đồng, tăng 13,85%... Ngoài ra, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn cho vay hơn 2.835,5 tỷ đồng theo 10 chương trình tín dụng ưu đãi, từ đó giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, lũy kế đến nay các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã cho 314 khách hàng doanh nghiệp tham gia chương trình vay vốn với số tiền cam kết cho vay 6.984 tỷ đồng, đã giải ngân là 6.266 tỷ đồng, bằng 89,7% so với cam kết. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Không chỉ tăng cường đầu tư vốn, ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng còn chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Cụ thể: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Ðịnh áp dụng lãi suất cho vay bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và tôm... Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Ðịnh áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa 6%/năm đối với các lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Ðịnh áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp nhất 6%/năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp khởi nghiệp có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nâng cấp thành doanh nghiệp. Ngân hàng Ngoại thương áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Chính vì thế, đến nay tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng dư nợ cho vay.

Ðể duy trì tốt hoạt động đầu tư vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, thời gian tới các ngân hàng tổ chức tín dụng tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước và kế hoạch của Hội sở chính giao cho các chi nhánh, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng. Chú trọng điều chỉnh cơ cấu đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư vốn theo các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy trình, điều kiện cho vay; tăng cường kiểm tra, kiểm soát khách hàng trước và sau khi vay vốn để bảo đảm sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động xây dựng kế hoạch tiết kiệm để có thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn. Tập trung đổi mới trang thiết bị, phong cách phục vụ, xây dựng môi trường giao dịch thân thiện, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ, tiện ích ngân hàng./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com