Ngành Ngân hàng tạo bứt phá tăng trưởng tín dụng

06:03, 01/03/2019

Năm 2018, đánh dấu sự thành công của ngành Ngân hàng địa phương nhờ sự đóng góp tích cực của nhiều tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tính thanh khoản và mặt bằng lãi suất ổn định, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng ở mức thấp… tạo cho nền kinh tế của tỉnh nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, hấp thụ khá tốt nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho tỉnh và việc làm cho người lao động. Ðây chính là cơ sở để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đặt mục tiêu tạo sự bứt phá và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Từ nguồn vốn vay của các ngân hàng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt may Sơn Nam đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách tỉnh.
Từ nguồn vốn vay của các ngân hàng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt may Sơn Nam đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách tỉnh.

Năm 2018, ngành Ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10-1-2018 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2018; Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 2-8-2018 về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, góp phần cùng toàn ngành thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ đó, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 55.983 tỷ đồng, tăng 8.383 tỷ đồng (17,6%) so với đầu năm, cao hơn 3,6% so với mức tăng bình quân toàn quốc. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 65,8%; trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 34,2%. Dư nợ cho vay phân theo ngành kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 22,6%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 41%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 36,4%. Dư nợ cho vay phân loại theo khách hàng vay: 1.715 doanh nghiệp có dư nợ 19.594 tỷ đồng, chiếm 35%; 27 hợp tác xã có dư nợ 81 tỷ đồng, chiếm 0,2%; 263.070 hộ gia đình, cá nhân có dư nợ 36.308 tỷ đồng, chiếm 64,8%... Theo đánh giá của ngành chức năng, chính sách tiền tệ năm 2018 đã được điều hành thận trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Lãi suất có xu hướng tăng nhẹ vào thời điểm cuối năm. Dự báo trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn được duy trì; Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định với lạm phát, mặt bằng lãi suất và tỷ giá được giữ ổn định. Tỷ giá ngoại hối được củng cố và duy trì ở mức khá, do đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt. Trong khi đó, lãi suất huy động Việt Nam đồng (VND) vẫn được giữ ổn định. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo cho Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều dư địa để duy trì tỷ giá VND/USD hợp lý. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có sự gia tăng nhanh trong năm 2018 và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2019; đặc biệt là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng kỳ vọng thanh khoản của hệ thống ngân hàng cả năm 2019 tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019…

Nắm bắt những lợi thế này, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp mạnh mẽ như cơ cấu lại danh mục cho vay để cải thiện tốc độ sinh lời, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, không ngừng mở rộng quy mô cho vay nền kinh tế. Ðồng chí Phạm Văn Hướng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Chi nhánh sẽ bám sát chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước và kế hoạch của Hội sở chính giao; thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tiếp tục phân công cán bộ tín dụng bám sát địa bàn. Ðẩy mạnh các chương trình cho vay mục tiêu như: phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tập trung vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp; tích cực triển khai các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân… Còn Giám đốc Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Ðịnh Phạm Thanh Hương thì khẳng định: Ðể kích cầu tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý về quy mô, bảo đảm an toàn nguồn vốn, Chi nhánh chủ động thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất; không thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí được thu theo quy định của pháp luật; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo an toàn tài chính, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi và duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng một cách nhanh chóng, thuận lợi, có nguồn lực để thực hiện các dự án. Ðồng thời ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng trọng điểm theo chỉ đạo, định hướng của UBND tỉnh…

Năm 2019, có ý nghĩa quyết định trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020. Tăng trưởng tín dụng là một trong những tiêu chí “đo sức khỏe” nền kinh tế. Những kết quả của ngành Ngân hàng năm 2018 và các giải pháp, kế hoạch kinh doanh năm 2019, chúng ta kỳ vọng về những thành tựu đột phá tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com