Thời gian qua, công tác thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp của huyện Trực Ninh đã có những đột phá đáng kể. Trên địa bàn huyện đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư các lĩnh vực sản xuất như: may công nghiệp, da giày… Nhờ đó, trong năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện đã đạt 6.203 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Sản xuất CN-TTCN phát triển ổn định, bền vững đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện. Năm 2018, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân theo đầu người của huyện được nâng lên 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 0,58%.
Gia công sản phẩm trang phục xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn KIARA Việt Nam, Thị trấn Cát Thành. |
Đó là kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền huyện về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. UBND huyện đã xây dựng chương trình công tác cụ thể, trong đó, huyện chủ trương tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khai thác tối đa tiềm năng, biến các lợi thế của địa phương thành lợi ích kinh tế; tăng cường công tác thu hút đầu tư, phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao thu nhập của nhân dân. Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, huyện Trực Ninh đã huy động và tranh thủ mọi nguồn lực, giải ngân kịp thời nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Đến nay, hệ thống quốc lộ qua địa bàn huyện đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đạt quy mô cấp III đồng bằng, 100% mặt đường được thảm bê tông nhựa; các công trình: đường Trực Chính - Phương Định, đường trục Trực Hưng (đoạn từ cầu Trực Phú đến tỉnh lộ 488B)... được hoàn thành và đưa vào sử dụng thuận tiện cho việc giao thương trao đổi nguyên liệu, hàng hóa. Ngoài việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, UBND huyện đã phối hợp với ngành Điện hoàn thành cải tạo lưới điện nông thôn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khi gia tăng sản xuất CN-TTCN. Trong năm 2018, đã khởi công xây dựng và hoàn thành dự án lắp đặt máy biến áp T2, nâng tổng công suất trạm 110kV Trực Ninh lên 65 nghìn kVA, kịp thời cấp điện ổn định cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhân dân trong dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019 và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tiếp theo. UBND huyện còn chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, tạo môi trường thân thiện và thực hiện cải cách hành chính để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Huyện tổ chức hội nghị gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để tìm hiểu, lắng nghe và trao đổi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương. Chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN).
Trên địa bàn huyện có 3 CCN tập trung là: Cổ Lễ, Cát Thành và Trực Hùng, trong đó CCN Thị trấn Cổ Lễ có tổng diện tích gần 10ha; CCN Trực Hùng có tổng diện tích trên 12,8ha; CCN Thị trấn Cát Thành có tổng diện tích 26ha. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương rà soát nhu cầu mặt bằng, căn cứ thực tế quỹ đất và dự báo xu hướng phát triển sản xuất CN-TTCN để tham mưu cho huyện trình UBND tỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng 2 CCN mới đến năm 2025 là các CCN Trực Nội, diện tích 30ha; Trực Đại, diện tích 20ha. Với những giải pháp tích cực, trong năm 2018 huyện Trực Ninh đã thu hút được 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các xã, thị trấn là: Trực Thái, Trung Đông, Cát Thành, Cổ Lễ với tổng mức đầu tư trên 36,33 triệu USD và 20 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thương hiệu lớn trong nước trên địa bàn cũng đang hoạt động hiệu quả, vừa mang đến nguồn thu lớn vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông, tạo việc làm cho 700 lao động; Công ty trách nhiệm hữu hạn AMARA Việt Nam đầu tư trên 20 triệu USD tại Thị trấn Cổ Lễ, tạo việc làm cho trên 8.200 lao động; Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiara Garment Việt Nam (Hồng Kông, Trung Quốc); Công ty trách nhiệm hữu hạn Sungwon Vina (Hàn Quốc) đầu tư nhà máy may công nghiệp ở Thị trấn Cát Thành tạo việc làm cho trên 800 lao động. Trong năm 2018, dự án đầu tư sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu trị giá 15 triệu USD của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dream Plastic đã bước vào hoạt động tạo việc làm cho 2.400 lao động. Bên cạnh các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đã chọn Trực Ninh là "điểm đến" để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: dự án của Công ty cổ phần May 9 đầu tư tại xã Trực Phú thu hút trên 1.000 lao động; dự án của Công ty cổ phần May 1 (Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định) tại xã Trực Hưng thu hút trên 300 lao động.
Đánh giá về hiệu quả công tác thu hút đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện, đồng chí Vũ Mạnh Cường, Trưởng Phòng Công thương cho biết: Các dự án thu hút đầu tư của huyện đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều hộ dân bên cạnh hiệu quả về tăng thu ngân sách và phát triển các ngành dịch vụ khác. Ngoài ra còn góp phần quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của nhiều xã thuần nông trong huyện. Về lâu dài, các dự án sản xuất CN-TTCN đầu tư trên địa bàn còn góp phần đào tạo, hình thành lực lượng lao động nông thôn có tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019, huyện Trực Ninh phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 7.070 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD./.
Bài và ảnh: Thành Trung