Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Hải Hậu đã tập trung lãnh đạo, thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển toàn diện kinh tế nông thôn. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị của địa phương, năm 2018 huyện Hải Hậu đã thực hiện thắng lợi 11/11 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đạt kết quả khả quan trên cả ba mũi nhọn kinh tế: sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển.
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Đường, xã Hải Hưng. |
Phát triển "ba chân kiềng" kinh tế
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá so sánh năm 2010) của huyện đạt 7,32%; tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Với hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi được đầu tư nâng cấp cơ bản từ giai đoạn trước, giai đoạn này huyện Hải Hậu chủ trương tập trung phát triển toàn diện kinh tế nông thôn với ba mũi nhọn tạo thành thế "chân kiềng" bền vững là: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và kinh tế biển. Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trên cơ sở kết quả rà soát, phân tích và đánh giá tình hình thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 6.872 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,5 lần so với năm 2015; phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm tỷ trọng 35,3% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 10-12 nghìn lao động có việc làm thường xuyên tại các cụm, điểm công nghiệp; duy trì số lượng 10 nghìn lao động trong các làng nghề và thu hút thêm từ 5.000-7.000 lao động mới; phấn đấu mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 làng nghề, mỗi gia đình có một nghề. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu của Đề án, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất tại các cụm công nghiệp, làng nghề. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đến năm 2018, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp - xây dựng (giá so sánh năm 2010) của huyện đã đạt 7.180,9 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Tổng số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp, làng nghề đạt trên 25 nghìn người; trong đó các cụm công nghiệp tạo việc làm cho khoảng 15 nghìn người. Các ngành nghề chế biến thủy, hải sản, chế biến gỗ, cán kéo sợi và dệt lưới sợi PE,... tiếp tục mở rộng, tạo ra được nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường; nghề may công nghiệp thu hút đầu tư phát triển về các xã, thị trấn. Nhiều doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp: Hải Phương, Hải Minh, Hải Thanh hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có mức doanh thu khá, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện. Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đề nghị bổ sung Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh. Công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Hải Hậu đã có những đột phá đáng kể. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút được 10 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề cụ thể: may công nghiệp, da giày… quy mô khá trong và ngoài nước như: dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nam Định với tổng công suất 2.400MW (4x600MW) với tổng mức đầu tư 2.027,2 triệu USD; dự án nhà máy may công nghiệp Smart Shirts Garment Manufacturing Hải Hậu tại xã Hải Hà, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Power (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 22,3 triệu USD tại xã Hải Phương; dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em JY Plastic Nam Định (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư 6,5 triệu USD tại xã Hải Phương. Các dự án đầu tư về các xã vừa tạo việc làm tại chỗ cho người dân, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của các địa phương; thực hiện đồng thời nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, phát huy truyền thống là địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp với kỹ thuật thâm canh cao, kết hợp với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để hiện đại hóa sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp... huyện Hải Hậu đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng diện tích lúa cả năm của huyện đạt 20.394ha, năng suất đạt xấp xỉ 127 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt 134.496 tấn, tăng 17,9% so với năm 2017. Hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm gắn với thị trường, tiêu thụ tốt được đẩy mạnh như: xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất lúa sạch an toàn với tổng diện tích 160ha tại các xã: Hải Giang, Hải Quang, Hải Phúc,... Phát triển các vùng canh tác chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa như: vùng sản xuất lúa giống 181ha tại các xã: Hải Toàn, Hải Đông; vùng sản xuất rau an toàn trên 10ha tại các xã Hải Hòa, Hải An và Thị trấn Thịnh Long; vùng trồng cây dược liệu: dây thìa canh diện tích 15ha tại xã Hải Lộc, cây đinh lăng diện tích gần 200ha tại các xã Hải Toàn, Hải Đông, Hải Châu, Hải Quang,... Toàn huyện đã chuyển đổi 1.084ha đất lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh, đảm bảo theo quy hoạch. Chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định, đảm bảo an toàn dịch bệnh với tổng đàn lợn đạt 135.250 con; đàn gia cầm 1.269.100 con, bằng 106,6% so với năm 2017. Phát huy lợi thế tự nhiên có 32km bờ biển, bằng gần 50% tổng số chiều dài bờ biển toàn tỉnh, huyện Hải Hậu xác định phát triển đồng bộ kinh tế biển trên các lĩnh vực sản xuất và du lịch: khai thác, nuôi trồng, chế biến và sản xuất giống theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững là động lực thực hiện và hoàn thành Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020". Năm 2018, tổng giá trị sản lượng thủy sản (giá so sánh năm 2010) của huyện ước đạt 863,8 tỷ đồng; tổng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 17.980 tấn, tăng 1,9% so với năm 2017, tạo việc làm cho trên 2.600 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động thời vụ, dịch vụ. Với chủ trương tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, khuyến khích phát triển đội tàu công suất lớn, tăng sản lượng khai thác xa bờ, giảm dần khai thác gần bờ huyện đã chú trọng phát triển đội tàu khai thác xa bờ. Ngành nghề khai thác chủ yếu là lưới rê chiếm trên 80%, còn lại là giã đáy, chụp mực, câu... Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có 857 phương tiện khai thác với tổng công suất trên 90 nghìn CV; trong đó tàu cá có khai thác hải sản xa bờ (chiều dài 15m trở lên) có 229 tàu. Toàn huyện hiện có 14 tàu khai thác vỏ sắt công suất lớn từ 800-1.200CV được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại (tời ma sát, cẩu, la bàn, máy định vị vệ tinh, máy thông tin liên lạc, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực…), có khả năng chịu được sóng, gió tốt, hoạt động an toàn, dài ngày trên biển và có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Thu nhập của ngư dân khai thác hải sản xa bờ khá ổn định và ở mức cao so với các nghề khác ở nông thôn; các tàu khai thác xa bờ bằng nghề lưới rê đem lại lợi nhuận cao, doanh thu trung bình từ 80-120 triệu đồng/1 chuyến biển, các chủ tàu lãi trung bình 1 tỷ đồng/năm (đã trừ khấu hao phương tiện và trang thiết bị). Không chỉ ở lĩnh vực khai thác, diện tích nuôi thủy sản của huyện cũng phát triển với 2.320ha; trong đó nuôi nước ngọt 1.850ha, mặn lợ 470ha (nuôi công nghiệp 300ha, bán công nghiệp 170ha). Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 14.025 tấn, tăng 5,2% so với năm 2017. Diện tích nuôi trồng thủy sản được giữ ổn định, đã hình thành được nhiều vùng nuôi tập trung có tính hàng hóa cao, đặc biệt ở các vùng nuôi tôm công nghiệp. Ở các vùng nuôi tập trung đều đã thành lập được các Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ ngành nghề để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khắc phục các hạn chế, nhược điểm của sản xuất đơn lẻ, manh mún, bước đầu hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nuôi trồng thủy sản. Năm 2018 diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 592ha, tăng 46ha so với năm 2017. Đối tượng nuôi thâm canh và bán thâm canh chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng, lóc bông. Nuôi thâm canh cho lãi bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, gấp 4-6 lần so với phương thức nuôi quảng canh; nuôi bán thâm canh cho lãi bình quân từ 200-230 triệu đồng/ha/năm.
Việc phát triển đồng bộ "ba chân kiềng" kinh tế đã thay đổi căn bản kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương trong huyện. Nhiều xã chỉ khoảng chục năm trước còn là xã thuần nông như Hải Thanh, Hải Hưng, Hải Vân, Hải Phương... đã phát triển sôi động trở thành các cụm công nghiệp thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp với mức thu nhập thấp nhất từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng, kéo theo các ngành nghề dịch vụ thương mại phát triển. Các xã trước đây kinh tế diêm nghiệp là chủ đạo như: Hải Chính, Hải Lý, Hải Triều... nhờ phát triển kinh tế biển đúng hướng nên đời sống của nhân dân đã được cải thiện vượt bậc, số hộ giàu tăng nhanh. Kinh tế phát triển đã góp phần quan trọng nâng bình quân thu nhập năm 2018 của huyện lên mức 45,16 triệu đồng/người, tăng 6,14 triệu đồng so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,92%. Với 3 mũi nhọn đồng bộ là sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - kinh tế biển phát triển toàn diện là giải pháp hiệu quả và bền vững để nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo nền tảng, động lực quan trọng để huyện Hải Hậu tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới bền vững và phát triển.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung