Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) ở cơ sở là kênh tín dụng quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống quỹ TDND bảo đảm an toàn, hiệu quả còn góp phần hạn chế tín dụng đen.
Đến nay toàn tỉnh có 42 quỹ TDND đang hoạt động tại địa bàn các xã, phường, thị trấn. Qua thực tế hoạt động của các quỹ TDND cơ sở thời gian qua cho thấy bên cạnh những ưu điểm vẫn còn không ít những hạn chế trong quản lý vốn tín dụng, công tác quản trị điều hành của Hội đồng quản trị, ban giám đốc; hoạt động cho vay, huy động vốn thiếu chuẩn tiềm ẩn không ít tiêu cực và nguy cơ mất an toàn, không bảo đảm tính thanh khoản... Một số quỹ có biểu hiện phát triển chệch hướng, xa rời tôn chỉ, mục đích của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác xã và mục tiêu hoạt động hỗ trợ thành viên của quỹ TDND. Đặc biệt một vài quỹ có tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nhanh và có nguy cơ vượt khả năng quản lý, kiểm soát của đơn vị. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của một số quỹ chưa nghiêm tiềm ẩn rủi ro mất an toàn hoạt động. Nhiều quỹ chỉ coi trọng cơ chế bảo đảm tiền vay thông qua tài sản bảo đảm của khách hàng vay vốn mà chưa chú trọng đến việc nâng cao vai trò giám sát của quỹ cũng như của các thành viên khác đối với việc sử dụng vốn vay của thành viên. Những tồn tại yếu kém nói trên cùng với hạn chế của công tác quản lý, điều hành, kiểm soát nội bộ là nguyên nhân xảy ra rủi ro gây tổn thất về tài chính và an toàn của một số quỹ TDND thời gian qua, làm mất uy tín dẫn đến tình trạng thành viên, người dân lo ngại rút tiền ồ ạt, làm mất khả năng chi trả, thanh toán, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của cả hệ thống quỹ TDND trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2018, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã đưa ra 184 kiến nghị chấn chỉnh, xử lý sai phạm của các quỹ TDND. Trong đó xử phạt Quỹ TDND Hải Ninh (Hải Hậu) 16 triệu đồng do cấp tín dụng cho cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; Quỹ TDND Hải Thanh (Hải Hậu) 8 triệu đồng do báo cáo không trung thực; Quỹ TDND Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) 10,6 triệu đồng do không kiểm kê tiền mặt và sử dụng, bảo quản chìa khóa kho tiền không đúng quy định; Quỹ TDND Hải Minh (Hải Hậu) 70 triệu đồng do các vi phạm: tổng mức cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan, phân loại nợ không đúng quy định của pháp luật...
Được Quỹ tín dụng nhân dân Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) cho vay 300 triệu đồng, gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở xóm 8 đã đầu tư phát triển nghề chế tác đá mỹ nghệ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình và người lao động ở địa phương. |
Để kịp thời điều chỉnh hoạt động của hệ thống quỹ TDND đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hợp tác xã, trong đó nâng cao tính tương trợ, liên kết giữa các thành viên, tập trung vào mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống của thành viên, phục vụ nhân dân trên địa bàn quỹ hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các quỹ TDND thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31-3-2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về quỹ TDND. Nhanh chóng hoàn thiện phương án cơ cấu lại quỹ trình Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện theo phương án đã được duyệt. Các quỹ TDND cần nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật liên quan; các chủ trương, quyết định đã được đại hội thành viên thông qua. Tăng cường năng lực tài chính theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới; tích cực huy động vốn nhàn rỗi của các thành viên và cộng đồng trên địa bàn; tập trung cho vay đối với các thành viên và người nghèo, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả tăng trưởng tín dụng. Chủ động xử lý nợ xấu đi đôi với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa nợ xấu phát sinh, nâng cao hiệu quả công tác thẩm định tín dụng, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo để đảm bảo và nâng cao kiến thức nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, khả năng quản trị, điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm soát quỹ TDND. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về hoạt động của quỹ TDND đến các thành viên và cộng đồng dân cư. Rà soát, chấn chỉnh, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quản lý tài chính, an toàn kho quỹ; nghiêm cấm ủy quyền, nhờ, giao tiền của quỹ TDND cho cá nhân hoặc các hình thức tương tự để gửi tiền ở tổ chức tín dụng khác. Theo ý kiến của các chuyên gia, để các quỹ TDND hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng mục tiêu, tôn chỉ cần có một bộ phận độc lập giám định các khoản cho vay thành viên của quỹ TDND. Bên cạnh đó, nên quy định giới hạn quy mô của một quỹ TDND để phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của quỹ TDND; mức gửi tiền của mỗi khách hàng không quá 2 lần mức bảo hiểm chi trả để giảm thiểu thiệt hại cho quỹ TDND khi xảy ra tình trạng rủi ro khó khăn trong việc chi trả. Hoạt động của hệ thống quỹ TDND phải thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và quy định của pháp luật về tín dụng, ngân hàng. Về phía cơ quan quản lý là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh tỉnh Nam Định cần hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị điều hành cho nhân lực của quỹ TDND, đặc biệt là hệ thống kiểm toán nội bộ, đảm bảo người quản lý điều hành quỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực và trình độ theo quy định. Tổ chức rà soát quy định về an toàn hoạt động, quản trị, điều hành và thu hồi giấy phép, sửa đổi quy định vốn pháp định phù hợp với thực tiễn hoạt động và yêu cầu đảm bảo an toàn của quỹ TDND trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy trình huy động và cho vay, giám sát được rủi ro và có biện pháp kiểm tra, xử lý khi vi phạm.
Triển khai đồng bộ, căn cơ các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các quỹ TDND, đóng góp tích cực hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại