Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Hợp tác xã Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy); Hợp tác xã chăn nuôi Long Phú, xã Trực Thái (Trực Ninh)… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc nhân rộng mô hình này vẫn gặp khó khăn.
Tham quan mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Trực Hùng (Trực Ninh). |
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2018, toàn tỉnh vẫn còn 71 hợp tác xã yếu kém, trong đó có 13 hợp tác xã đã ngừng hoạt động (trong đó, huyện Giao Thủy còn 3 hợp tác xã, Ý Yên 3, Nam Trực 3; các huyện: Hải Hậu, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Vụ Bản còn 1 hợp tác xã). Cùng với 13 hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động phải giải thể, các huyện, thành phố tiếp tục sàng lọc chọn ra các hợp tác xã trì trệ, không có khả năng phát triển để chỉ đạo thực hiện việc giải thể. Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, đảm bảo 100% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, không còn hợp tác xã yếu kém, tỉnh ta phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 340 hợp tác xã hoạt động hiệu quả và đúng luật; trong đó có 15-20 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế. Theo đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, không chỉ thiếu vốn đầu tư mà quỹ đất dành cho phát triển sản xuất cũng hạn chế nên không ít hợp tác xã chưa phát huy được hiệu quả khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, các mô hình ứng dụng công nghệ cao mới làm từng phần nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm. Các hợp tác xã cũng chưa nắm bắt được thị trường công nghệ, nhất là thiếu nguồn nhân lực trong quản trị, quản lý điều hành, thiếu đội ngũ tư vấn và thông tin về công nghệ, chưa được sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Trong khi đó, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ của Nhà nước đối với các hợp tác xã nông nghiệp nói chung và hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng cũng còn những hạn chế, dẫn đến tình trạng hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao chủ yếu tập trung vào sản xuất một số mặt hàng “ăn liền” như rau, trái cây, giống cây trồng, hoa... cho nên giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa mang lại lợi nhuận lớn.
Để đẩy mạnh phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao hiện có, trọng tâm là các mô hình công nghệ cao trong sản xuất như trồng hoa, rau, trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững. Bên cạnh đó, lựa chọn các hợp tác xã có tiềm lực và khả năng để hỗ trợ tư vấn, giúp các hợp tác xã lựa chọn, áp dụng công nghệ phù hợp và xây dựng phương án liên kết hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Các loại hình công nghệ có thể lựa chọn áp dụng như việc ứng dụng canh tác trên giá thể, công nghệ tưới tiết kiệm và công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động. Công nghệ bảo quản lạnh, công nghệ bảo quản rau, hoa quả tươi, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản; hoặc áp dụng công nghệ sản xuất an toàn VietGAP. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng thu nhập cho người sản xuất. Theo đó, để tỉnh ta có ít nhất 15-20 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2020 cần có sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các hộ nông dân; tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của công nghệ cao, các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Các địa phương tăng cường tập huấn để nâng cao năng lực quản trị của các hợp tác xã; thực hiện rà soát, chuyển đổi, đăng ký lại các hợp tác xã nông nghiệp; giải thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động; xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó nâng cao nhận thức của thành viên hợp tác xã về hiệu quả của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hướng dẫn nông dân, hợp tác xã chuyển đổi sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm trên một đơn vị diện tích; đồng thời triển khai liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất có giá trị cao, chi phí thấp. Bên cạnh đó, cần có biện pháp ưu tiên hỗ trợ vốn tín dụng để các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã có quy mô lớn có thể ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học vào sản xuất. Hướng dẫn, triển khai thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn