Thực hiện đồng bộ biện pháp phát triển vận tải đường thủy

06:02, 22/02/2019

Tỉnh ta có lợi thế để phát triển vận tải đường thủy, bao gồm cả đường thủy nội địa và pha sông biển; trong đó nhiều tuyến vận tải đường thủy nội địa có tầm quốc gia như các tuyến Ba Lạt - Hà Nội, tuyến Lạch Giang - Hà Nội qua hệ thống sông Hồng, sông Ninh Cơ; tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình qua hệ thống sông Hồng, sông Đào; tuyến Cửa Đáy - Ninh Bình qua hệ thống sông Đáy. Cùng với lợi thế bờ biển dài 72km, địa bàn tỉnh còn nhiều cảng sông, cảng biển quan trọng nằm trong quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án WB6 do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư cải tạo, chỉnh trị cụm công trình cửa Lạch Giang giúp cho tàu có trọng tải 1.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình) góp phần thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng và phát triển vận tải pha sông biển. Những năm gần đây thực hiện định hướng tái cơ cấu vận tải của Bộ Giao thông Vận tải, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tăng cường sử dụng dịch vụ vận tải thủy để vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa bởi khả năng vận chuyển khối lượng lớn, giá rẻ và không bị ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ở tỉnh ta vẫn chưa phát huy tối đa ưu thế của loại hình vận tải đường thủy.

Tàu chở hàng hoạt động trên sông Đào (Thành phố Nam Định).
Tàu chở hàng hoạt động trên sông Đào (Thành phố Nam Định).

Công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang, là nơi có lượng tàu thuyền vận tải và đánh bắt hải sản lớn chạy qua, nhưng kể từ năm 2015 đến cuối năm 2018, giai đoạn Cục Đường thủy nội địa tiếp quản và khai thác, tuyến Lạch Giang - sông Đáy - Ninh Cơ vẫn chưa phát huy được tối đa tiềm năng phát triển vận tải thủy. Nguyên nhân được xác định là do luồng tàu chạy tuyến Hải Thịnh bị sa bồi khá lớn. Theo thiết kế, từ phao số 0 đến phao số 9, 10 phải đạt độ sâu -3,8m và từ phao số 9, 10 đến hạ lưu cầu Châu Thịnh đạt -3,1m mới đạt yêu cầu khai thác nhưng thực tế nhiều đoạn tuyến bị sa bồi chỉ còn -2,3m. Vì thế tàu 3.000 tấn trở lên muốn ra vào phải chờ đến giờ “con nước” khiến số lượng lớn tàu bị dồn ứ vào thời điểm 11h-12h trưa, chậm chạp nối đuôi nhau dịch chuyển qua luồng Lạch Giang. Giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Nam Định Đinh Quang Đăng cho biết, thực trạng này ảnh hưởng đến số lượng tàu đến, rời cảng. Ngoài ra, đoạn tuyến đường thủy sông Đáy - Ninh Cơ vẫn “đang nằm trên giấy”, nên tàu thuyền không thể vào sâu trong nội địa “lấy hàng” từ cảng Ninh Cơ; đặc biệt là các tàu pha sông biển, giảm hiệu quả kinh tế. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Văn Thể khi về làm việc với UBND tỉnh vào cuối năm 2018 đã chỉ rõ: “Vận tải đường thủy nội địa của tỉnh tuy đã có cảng biển Hải Thịnh nhưng quy mô, công suất hoạt động, lưu lượng hàng hóa qua cảng chưa nhiều. Trong khi muốn xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hầu hết phải thông qua cảng biển, nhưng Nam Định hiện không có cảng biển công suất lớn, phải dịch chuyển thêm khoảng 100km để đến cảng biển Hải Phòng làm gia tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, để tạo sức bật trong phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực, tỉnh phải quan tâm phát triển hạ tầng giao thông vận tải đường thủy”. Nhiều năm nay, khu vực ven biển của tỉnh đã được tập trung quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển, khai thác kinh tế biển, bao gồm: khu du lịch biển Hải Thịnh; Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu nối liền các khu công nghiệp từng vùng với các nhà máy đóng tàu, cảng; tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 46km, đi qua 17 xã, thị trấn của hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng… Tuy nhiên vẫn cần có những giải pháp và chương trình đầu tư đồng bộ để có thể khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo Sở Giao thông Vận tải, thực trạng giao thông đường bộ, đường thủy của tỉnh và nhiệm vụ nâng cao khả năng kết nối, tương hỗ các công trình giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế đặt ra cho tỉnh yêu cầu phải khẩn trương đầu tư phát triển vận tải đường thủy. Cuối năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 46 công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh giao toàn bộ phần cửa Lạch Giang đến sông Ninh Cơ cho Cảng vụ Hàng hải Nam Định quản lý nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động: tổ chức công bố vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở đầu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão cho tàu thuyền vào, rời cảng biển Nam Định… Cục Hàng hải Việt Nam đã ghi vốn đầu tư để nạo vét tuyến luồng tại cửa Lạch Giang trong năm 2019 nhằm khắc phục tình trạng khan cạn. Ngoài nguồn vốn ngân sách, tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hạ tầng, vận tải đường thủy theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2693/QĐ-UBND ngày 22-11-2017). Quan điểm của tỉnh là đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng, tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới, xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ và Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Đối với hệ thống đường thủy nội địa, tỉnh sẽ hoàn thành nâng cấp hệ thống đường sông chính đạt cấp kỹ thuật quy định; tập trung cải tạo, chỉnh trị một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác; đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách; xây dựng cảng Nam Định mới trên sông Hồng. Cụ thể, theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29-7-2016 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, cảng biển Hải Thịnh được xác định là cảng tổng hợp địa phương (loại II) gồm khu bến Hải Thịnh và bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1; năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2020 đạt khoảng 6,25 triệu tấn. Các bến chức năng chính gồm: khu bến Hải Thịnh bao gồm các bến cảng trên sông Ninh Cơ (Hải Thịnh, Thịnh Long) khai thác với cỡ tàu từ 1.000 đến 3.000 tấn; nghiên cứu xây dựng mới bến cảng chuyên dùng phục vụ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ với năng lực hàng hóa thông qua năm 2020 dự kiến đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm, năm 2030 dự kiến đạt khoảng 1,25 triệu tấn/năm; bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 cho tàu từ 1.000 đến 2.000 tấn, năng lực thông qua (hàng hóa chủ yếu là than) đến năm 2030 đạt 5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, trong quy hoạch cảng nội địa, theo Quyết định số 2223/QĐ-TTg ngày 13-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nam Định cũng là một trong các tỉnh có quy hoạch cảng cạn tại khu vực kinh tế ven biển gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, phía tây Hà Nội và Hòa Bình. Đặc biệt, để phát triển mạnh dịch vụ vận tải trên nền tảng hạ tầng giao thông đường thủy đã được quy hoạch đồng bộ, tỉnh tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đóng tàu vận chuyển hàng có trọng tải lớn; tăng cường liên kết giữa các loại hình vận tải khác với vận tải đường thủy, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải; phát triển vận tải container, đa phương thức đường thủy nội địa và ven biển. Phát triển kinh tế, tạo nguồn hàng cho vận tải đường thủy, khuyến khích đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa có khối lượng lớn, hàng container tại các cảng thủy nội địa; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy chứng nhận chuyên môn, bằng thuyền trưởng, máy trưởng; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong vận tải đường thủy. Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên, công nhân, viên chức quản lý về đường thủy trong cơ quan quản lý Nhà nước. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đạt sản lượng vận chuyển 22 triệu tấn hàng hóa.km/năm, thỏa mãn nhu cầu vận tải đa dạng, giá thành hợp lý; kiềm chế, tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com