Ngay sau những ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, tại các công trường trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thi công đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện trở lại làm việc, với quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ đề ra.
Thi công tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Thanh Thúy |
Có mặt tại xã Hải Châu (Hải Hậu), vào ngày làm việc đầu tiên sau dịp nghỉ Tết chúng tôi cảm nhận được sự mong mỏi, chờ đợi cầu Thịnh Long được đưa vào sử dụng của người dân địa phương. Chủ tịch UBND xã Hải Châu Hoàng Đức Viện cho biết: Ngay sau thời điểm khởi công xây dựng cầu Thịnh Long đã tạo cho địa phương sức thu hút đầu tư tích cực. Hiện đã có một số doanh nghiệp gia công may mặc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn; lĩnh vực nông nghiệp cũng được doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, phát triển sản xuất rau màu, cây đinh lăng làm dược liệu và mở rộng diện tích các vùng nuôi thủy sản. Cầu Thịnh Long hoàn thành xây dựng, nối đôi bờ sông Ninh Cơ từ xã Hải Châu (Hải Hậu) sang xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại và hàng hóa lưu thông thông suốt mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển giao thương mới. Đồng chí Dương Hoài Nam, Phó Phòng dự án 5, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, cầu Thịnh Long với quy mô cầu bê tông vĩnh cửu, rộng 12m, nối liền các khu công nghiệp trong vùng với các nhà máy đóng tàu, cảng Hải Thịnh nằm gần cửa biển Lạch Giang mới được đầu tư cải tạo nâng cấp, đã được quy hoạch là cảng nước sâu, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I, khu du lịch biển Hải Thịnh. Cầu Thịnh Long cũng tăng khả năng kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực trên tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, tiết kiệm chi phí cho vận tải đường bộ. Nhận thức được tầm quan trọng của dự án cũng như đáp lại niềm vui mừng, chờ đón của người dân nên đơn vị thi công đã cam kết với tỉnh rút ngắn thời gian thi công từ 27 tháng xuống còn 21 tháng để có thể đưa vào khai thác vào tháng 10-2019. Với khối lượng thi công tương đối lớn nên tất cả cán bộ kỹ thuật, công nhân đều phải tích cực chạy đua với thời gian để đưa công trình về đích đúng hẹn. Trước kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ khối lượng gia tải phần đường dẫn giai đoạn 1; phần cầu đã hoàn thành 16 trụ cùng hệ thống xà mũ trên bờ (8 trụ thuộc địa phận huyện Hải Hậu, 8 trụ thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng) và đã lao lắp 8 nhịp dầm (5 nhịp thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng, 3 nhịp thuộc địa phận huyện Hải Hậu); thi công phần thân cho hai trụ chính giữa sông. Tranh thủ thời tiết đầu năm tương đối thuận lợi, các nhà thầu dồn lực tổ chức đồng thời 6 mũi thi công, giữ nhịp độ làm việc tập trung cao, tiếp tục hoàn thiện phần cốt của 2 trụ chính giữa sông, thi công chế tạo ván khuôn 2 khối nhịp giữa sông và dầm đúc hẫng.
Để góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch theo quy hoạch phát triển giao thông - vận tải tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án trọng điểm kinh tế biển đã và đang triển khai như: cầu Thịnh Long, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông… cuối năm 2017, tỉnh đã khởi công xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuyến đường có tổng chiều dài 46km, đi qua 17 xã, thị trấn của hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng. Căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, UBND tỉnh đầu tư thi công giai đoạn I của dự án với các hạng mục: giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh nền đường, cầu cống 31,4km tại những đoạn chưa có tuyến… Giai đoạn I được phân thành 2 gói thầu thi công xây dựng, trong đó gói thầu số 1 từ Quần Liêu đến tỉnh lộ 490C và từ cầu Thịnh Long đến Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông dài 10,8km; gói thầu số 2 gồm đoạn còn lại từ Cao Bồ đến Quần Liêu dài 22km. Ông Hà Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Trường, đơn vị thi công phấn khởi cho biết: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành với nhà đầu tư của tỉnh, đến thời điểm này, các địa phương đã bàn giao được toàn bộ mặt bằng (10,8/10,8km) của gói thầu giai đoạn I và khoảng 18/22km mặt bằng của gói thầu giai đoạn II. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đang tiếp tục được tập trung đẩy nhanh để sớm bàn giao đủ mặt bằng sạch cho nhà thầu”. Để bảo đảm thi công tuyến đường theo đúng tiến độ đề ra, ngay từ những ngày đầu năm mới, nhà thầu đã tập trung nhân lực, máy móc, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt trên công trường, giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, tiến độ triển khai từng hạng mục; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường... Đến nay Công ty đã thi công được hơn 40% tổng khối lượng công việc; trong đó đã cơ bản hoàn thành san lấp phần mặt bằng được bàn giao, áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền đường, cầu cống.
Cùng chung khí thế của 2 dự án trọng điểm kể trên, ở các dự án giao thông của các huyện, thành phố cũng được các nhà thầu huy động nhân lực, trang thiết bị, máy móc triển khai ra quân thi công ngay sau kỳ nghỉ Tết với tinh thần “giao thông đi trước một bước”. Khí thế làm việc hăng say của người lao động ngay từ những ngày đầu ra quân và nỗ lực của các nhà thầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, chắc chắn trong năm 2019, Nam Định sẽ có thêm nhiều công trình giao thông quan trọng hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trên công trường xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần tại phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định), tiếng máy khoan, máy trộn bê tông, máy xúc ồn ã náo nhiệt; không khí ra quân đầu Xuân thật sôi động của đội ngũ kỹ sư, người lao động. Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ (Giao Thuỷ) - đơn vị thi công cho biết: “Để đảm bảo tiến độ dự án, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp nhân công hợp lý, đảm bảo anh em công nhân đều được ăn Tết cùng gia đình trong dịp Tết Kỷ Hợi. Đồng thời, Công ty cũng động viên công nhân lao động chủ động thực hiện “Tết an toàn, Tết gọn nhẹ” để có thể nhanh chóng quay trở lại làm việc từ ngày mồng 6 Tết”. Trước khi nghỉ Tết, Công ty đã bố trí lực lượng bảo dưỡng, kiểm tra máy móc đảm bảo trạng thái kỹ thuật tốt nhất sẵn sàng thi công ngay đầu năm. Được xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần tại tỉnh, từng bước hình thành điểm du lịch đặc sắc cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa thời Trần, ngay sau Tết Nguyên đán, Công ty đã tập trung huy động 100% lực lượng công nhân, và các trang thiết bị vật tư máy móc xây dựng công trình sân lễ hội chính thuộc phân khu Trung tâm lễ hội, 2 hồ cảnh quan thuộc phân khu Công viên văn hóa Trần, trục đường vào khu trung tâm lễ hội. Trong đó, khu công viên văn hóa Trần có tổng diện tích là 25,6ha; khu trung tâm lễ hội (không gian chính tổ chức lễ hội ngoài trời) có diện tích 23,6ha gồm các hạng mục: sân lễ hội chính, các sân phụ và hạ tầng cảnh quan phục vụ lễ hội; vùng đệm khu dịch vụ, hệ thống đường giao thông kết nối đến các phân khu và giao thông nội bộ; công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật chung, hệ thống chiếu sáng… Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 734 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Công ty phấn đấu đến hết quý I năm 2019 sẽ hoàn thành san lấp mặt bằng để triển khai thi công. Chị Nguyễn Thị Vui, công nhân của Công ty cổ phần Xây dựng và Tư vấn Hoàng Long (Thành phố Nam Định) đơn vị thi công xây dựng trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trên đường Trần Phú (Thành phố Nam Định) cho biết: “Tết Kỷ Hợi vừa qua, ngoài tiền thưởng, Công ty còn thỗ trợ tiền xe cho công nhân ở xa ăn tết nên mọi người đều rất phấn khởi, động viên nhau “ăn Tết gọn” để có thể quay trở lại công trường sớm”. Trước Tết, Công ty đã hoàn thiện phần thô nhà làm việc 5 tầng, cải tạo thi công phần trát tường, trần, cột của nhà cơ sở dạy nghề 4 tầng và đã phá dỡ xong nhà làm việc 3 tầng cũ. Hiện tại, các hạng mục công trình của dự án đều được Công ty thực hiện vượt tiến độ đề ra; phấn đấu đến tháng 8-2019 có thể hoàn thành nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình mới. Tại Công ty cổ phần Vật liệu không nung 567 (Khu công nghiệp Hoà Xá), ông Nguyễn Xuân Tuyển, Giám đốc cho biết: “Năm 2018, Công ty đã sản xuất và cung ứng cho thị trường vật liệu xây dựng tỉnh nhà hơn 10 triệu viên gạch tiêu chuẩn. Năm 2019, Công ty phấn đấu giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh đảm bảo việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng”. Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đều phát động đến toàn bộ cán bộ, công nhân viên, người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm và các phong trào lao động khác như “An toàn - Hiệu quả - Năng suất”; “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”…
Với khí thế quyết tâm, chủ động vượt khó, không khí ra quân lao động và các công trường mùa xuân đã có bước khởi đầu tích cực, tạo động lực để tiếp tục phát huy, nỗ lực hơn nữa nắm bắt cơ hội phát triển, hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng tỉnh ta ngày càng đẹp, hiện đại, giàu mạnh hơn./.
Thanh Thuý và Đức Toàn