Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh, ổn định; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được phát hiện, xử lý khống chế kịp thời. Đạt được những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ thú y các cấp, đặc biệt là ở cấp xã. Tuy nhiên, thực tế công tác thú y cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Trưởng Thú y Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho đàn lợn. |
Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống thú y cơ sở từng bước được hoàn thiện. Nếu như trước đây, mạng lưới này hoạt động chủ yếu theo hợp đồng thỏa thuận dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp thì đến ngày 29-11-2007, UBND tỉnh có Quyết định số 2938/2007/QĐ-UBND về việc thành lập mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 800 người hoạt động trong hệ thống thú y cơ sở ở 229 xã, phường, thị trấn; trong đó 35 người có trình độ đại học, 11 người có trình độ cao đẳng, 449 người có trình độ trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp và được đào tạo ngắn hạn phù hợp với chuyên ngành. Tổ chức mạng lưới thú y cấp xã gồm có 1 trưởng thú y và các thú y viên. Theo Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn cũng như Quyết định 2938 thì nhiệm vụ cụ thể của thú y cấp xã khá nhiều, từ tham mưu giúp UBND xã xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phát triển chăn nuôi (gồm cả thủy sản) đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; quản lý giống vật nuôi, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi; các biện pháp khống chế, xử lý, thanh toán dịch bệnh động vật theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan thú y cấp trên; xây dựng, quản lý vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật nuôi trên địa bàn và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án về thú y liên quan đã được phê quyệt. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăn nuôi và thú y, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch, các tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi và thú y tới toàn thể cán bộ, nhân dân địa phương. Giám sát, tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết, kịp thời báo cáo UBND xã và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện. Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh, cách ly động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Thực hiện cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y cho động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi xã; thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở kinh doanh giết mổ động vật, các cơ sở chăn nuôi và nơi tập trung buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn… Thực tiễn phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật ở tỉnh ta những năm qua cho thấy, mạng lưới thú y cơ sở hoạt động khá hiệu quả từ công tác phòng chống dịch bệnh đến hướng dẫn người dân chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Từ năm 2013 đến nay, dịch tai xanh không tái phát trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là bệnh lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 đã được phát hiện xử lý chống dịch kịp thời, ngăn chặn, khống chế không cho dịch lây lan, kéo dài góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như bảo vệ giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, cũng qua thực tiễn công tác thú y cơ sở, nhất là các đợt tiêm phòng cho thấy những bất cập phát sinh. Nguyên nhân được chỉ ra là mặc dù trách nhiệm cao, công việc nhiều nhưng chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ thú y cơ sở còn quá ít ỏi nên thiếu tính hấp dẫn và sự ràng buộc trách nhiệm. Theo Quyết định số 1680/QĐ-UBND ngày 10-10-2011 của UBND tỉnh về việc quy định số lượng và mức phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ, nhân viên kỹ thuật Ban Nông nghiệp cấp xã, mức phụ cấp cho trưởng thú y có trình độ đại học với hệ số 1 (1,39 triệu đồng/người/tháng), cao đẳng là 0,8 (1,112 triệu đồng/người/tháng), trung cấp là 0,7 (973 nghìn đồng/người/tháng), sơ cấp là 0,5 (695 nghìn đồng/người/tháng) và không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chị Nguyễn Thị Thúy, trưởng thú y xã Liêm Hải (Trực Ninh) cho biết: “Địa bàn xã Liêm Hải rộng, trên 2.000 hộ chăn nuôi ở 34 xóm nhưng lại không có thú y viên (vì phụ cấp quá thấp nên không thể tuyển được). Mỗi năm xã triển khai 2 đợt tiêm phòng vắc-xin chính vụ; 2-3 đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc, chỉ một mình tôi nên rất vất vả. Nghề thú y là nghề độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với chất thải động vật, môi trường nuôi nhốt, chăn thả ô nhiễm, lại nguy hiểm vì đối diện với vật nuôi hung hãn mỗi khi tiêm phòng, chữa trị bệnh. Thế nhưng, phụ cấp ít lại không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chúng tôi phải kiếm việc làm thêm để gia tăng thu nhập”. Công việc nhiều, vất vả nhưng mức lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, với xã địa bàn rộng thì chỉ đủ tiền xăng xe. Vì vậy, chị Thúy rất mong có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính để những đội ngũ cán bộ thú y cơ sở có thể bám trụ với nghề và hoàn thành tốt công việc được giao. Thú y viên là nhân tố rất quan trọng trong công tác quản lý dịch bệnh ở xã, thôn, xóm, là người giám sát hoạt động chăn nuôi tại địa bàn, bảo đảm khi có dịch bệnh là họ báo ngay cho xã, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có phương án xử lý, bao vây dập dịch. Họ cũng là người tuyên truyền về ý thức, phòng bệnh đàn vật nuôi cho người dân hiệu quả nhất. Thế nhưng ở nhiều nơi, số lượng thú y viên đang có xu hướng giảm, những người tham gia cũng không mặn mà với công việc này. Nhiều địa phương chậm tiến độ trong các đợt tiêm phòng là do thiếu nhân lực thú y viên.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mới chỉ có 24/229 xã có cơ chế hỗ trợ thêm cho thú y viên từ 50-200 nghìn đồng/tháng. Về công tác tổ chức hệ thống thú y cơ sở cũng còn một số bất cập. Hiện chỉ có 147/229 trưởng thú y xã chuyên trách thú y, còn 81/229 trưởng thú y phải làm kiêm nhiệm nhiều việc, riêng xã Yên Hưng (Ý Yên) chưa có trưởng thú y. Đội ngũ cán bộ, nhân viên thú y cơ sở đang ngày càng già đi trong khi không tuyển được nhân lực trẻ do chế độ đãi ngộ thấp. Nhiều trưởng thú y xã trên 60 tuổi, trình độ chuyên môn yếu, kỹ năng tuyên truyền, vận động hạn chế; nhiều địa phương không có thú y viên… Ở cấp huyện, năm 2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã bàn giao 36 viên chức công tác tại Trạm Chăn nuôi và Thú y về UBND các huyện, thành phố quản lý (về Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện). Do không còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện nên công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt công tác nắm bắt tình hình dịch bệnh và công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có văn bản đề nghị Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn các địa phương tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên.
Những năm gần đây, phương thức chăn nuôi công nghiệp được mở rộng. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi phổ biến nhất trên địa bàn tỉnh vẫn là theo hộ gia đình, nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn, dễ phát sinh dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Phát triển duy trì mạng lưới thú y cơ sở là hết sức cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong chăn nuôi. Bởi vậy, cần phải kiện toàn hệ thống thú y cấp xã, đảm bảo mỗi xã đều có trưởng thú y và các thú y viên, với số lượng thú y viên tuỳ theo quy mô đàn vật nuôi tại địa bàn. Do vậy, phải có chế độ đãi ngộ hợp lý, ổn định cho trưởng thú y và thú y viên bảo đảm cho họ yên tâm gắn bó, tâm huyết với công việc. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao kiến thức khoa học, kỹ thuật mới tới đội ngũ thú y cơ sở./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh