Trong điều kiện còn gặp không ít khó khăn, nhưng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân; tranh thủ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và vốn thu hồi nợ để tạo nguồn cho vay, hỗ trợ người khó khăn phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Để bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay chính sách theo 11 chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, giải ngân cho người vay. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Chi nhánh quản lý đã được giải ngân kịp thời, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Trung ương giao. Hết năm 2018, tổng dư nợ toàn hệ thống đạt 2.834,7 tỷ đồng với 106.246 khách hàng, tăng 245,6 tỷ đồng so với năm 2017. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong năm 2018 đã có 2.511 hộ nghèo, 7.481 hộ cận nghèo, 3.260 hộ mới thoát nghèo và 23.640 đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 2.011 hộ thoát nghèo, 2.450 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 1.605 lao động; 5.001 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 34.331 công trình nước sạch, vệ sinh; 15 căn nhà cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, 24 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chất lượng tín dụng được bảo đảm. Đến ngày 31-12-2018, nợ quá hạn là 2 tỷ 747,9 triệu đồng, chiếm 0,097% tổng dư nợ; có 6/10 đơn vị giảm được nợ quá hạn là: Ý Yên giảm 86,7 triệu đồng, Trực Ninh giảm 16,3 triệu đồng, Nghĩa Hưng giảm 15,3 triệu đồng, Xuân Trường giảm 13,2 triệu đồng, Giao Thủy giảm 9,1 triệu đồng, Mỹ Lộc giảm 44 triệu đồng và là đơn vị duy nhất không có nợ quá hạn. Bên cạnh đó, công tác xử lý các khoản rủi ro do nguyên nhân khách quan để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng luôn được quan tâm. Trong năm, Chi nhánh đã thực hiện 3 đợt xử lý rủi ro: khoanh nợ 4 món, số tiền 374,7 triệu đồng (gốc 220 triệu đồng, lãi 154,7 triệu đồng), xóa nợ cho 37 món, số tiền 493,9 triệu đồng. Ngoài ra, Chi nhánh còn triển khai thực hiện tốt công tác đối chiếu, phân tích nợ đối với các khách hàng vay vốn, qua đó đã có các giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; thực hiện có hiệu quả việc ủy thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Duy trì hiệu quả các kỳ giao dịch cố định hàng tháng tại các xã, phường, thị trấn, phổ biến kịp thời các chính sách mới, nắm bắt, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Tích cực tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó đưa nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của địa phương, đồng thời quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tăng nguồn cho vay. Quan tâm củng cố kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng cấp tỉnh, cấp huyện, bổ sung chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, thành phố, góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt kịp thời tình hình quản lý vốn vay; đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách tại địa phương. Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn, đảm bảo 100% cán bộ tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách xã hội được tập huấn nghiệp vụ và cập nhật những chủ trương, chính sách mới liên quan của Nhà nước, Chính phủ. Các hội, đoàn thể thực hiện tốt các nội dung Ngân hàng Chính sách xã hội đã ủy thác, phối hợp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời và an toàn; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng số tổ hoạt động tốt, giảm tổ trung bình, không để còn tổ yếu...
Đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách là giải pháp quan trọng đưa nguồn vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách giúp họ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới./.
Văn Đại