Kể từ khi chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhiều HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, HTX, thì các cấp, ngành địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ HTX nông nghiệp.
I. Nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động từ phía hợp tác xã
Toàn tỉnh hiện có 336 HTX nông nghiệp. Thực hiện trách nhiệm của tổ chức đại diện, Liên minh HTX tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn lực để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; các HTX thành viên đã nỗ lực vươn lên, học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị thành công hơn để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) sản xuất rau màu. |
Hàng năm các HTX nông nghiệp đều rà soát, phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tư vấn xây dựng phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ bảo đảm hiệu quả, xác định những lĩnh vực và sản phẩm tham gia hợp tác liên kết với các hộ thành viên và với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, bàn bạc thống nhất tại hội nghị thành viên để tổ chức thực hiện. Các HTX và các địa phương tạo điều kiện thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc lâu dài tại HTX nhằm bổ sung nhân lực quản lý có năng lực, đảm bảo thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh. HTX huy động nguồn vốn trong thành viên, chủ động tìm các nguồn vốn chính sách của tỉnh và Trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển quy mô các dịch vụ đang có cũng như phát triển thêm các dịch vụ mới, trong đó tập trung vào dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào và các loại dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, đa số các HTX nông nghiệp đều cung ứng 5-6 dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận, tăng 1-2 dịch vụ so với trước; có HTX tổ chức được 9-10 dịch vụ, trong đó có dịch vụ khép kín (từ cung ứng giống, vật tư, làm đất, gieo sạ đến thu hoạch nông sản). Nắm bắt được thực tế các doanh nghiệp không ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân mà thường thu mua sản phẩm thông qua đầu mối, đây chính là cơ hội cho thương lái nếu HTX không đảm nhận được vai trò đại diện cho nông dân dẫn đến người nông dân gặp nhiều rủi ro về ép cấp, ép giá… Vì vậy, nhiều HTX ngoài việc tổ chức sản xuất, tích tụ ruộng đất, lựa chọn sản phẩm chủ lực thế mạnh vùng miền, trực tiếp đầu tư xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chuyên ngành, tập trung còn liên kết với các doanh nghiệp, tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. HTX nông nghiệp sẽ thông qua ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ “đầu vào”, chuyển giao và giám sát quy trình kỹ thuật, phối hợp kế hoạch sản xuất và tổ chức tiêu thụ “đầu ra” cho nông sản góp phần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và thu nhập của các hộ thành viên.
Hiện nay toàn tỉnh có trên 46 tổ hợp tác, trong đó đã có trên 20% số tổ hợp tác có hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện tiêu thụ và chế biến nông sản, bước đầu thiết lập lực lượng quan trọng để tiếp tục phát triển thành HTX chuyên ngành. Có 20 HTX nông nghiệp liên kết với Viện Di truyền Nông nghiệp, 4 HTX liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Dương, 6 HTX liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, 3 HTX liên kết với HTX chế biến nông sản Bố Thuận, 3 HTX liên kết với Công ty Chế biến nông sản Đồng Giao... Có thể kể đến một số HTX tiêu biểu trong mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất và xây dựng chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực tại địa phương, mang lại thu nhập cao cho HTX và các thành viên như: HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (Hải Hậu) với mô hình chuỗi giá trị gạo đặc sản "Tám xoan bao tử", HTX chăn nuôi thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) xây dựng chuỗi giá trị nuôi cá lăng, HTX chăn nuôi lợn Yên Lợi (Ý Yên) xây dựng thành công chuỗi "Thịt lợn sạch Nam Sơn", HTX nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ sản xuất rau hữu cơ Nhật Bản, HTX nông nghiệp Trường Xuân (Giao Thủy) đang từng bước áp dụng các biện pháp công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như cải tạo đất, đưa các giống cây trồng có giá trị vào sản xuất... 13 HTX lĩnh vực thủy sản đã thúc đẩy hoạt động nuôi thủy sản ở các địa phương phát triển theo hướng hiệu quả bền vững. Điển hình như ở HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường), HTX khai thác thuỷ sản Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), HTX nuôi trồng thủy sản Tây Chùa, xã Yên Trung (Ý Yên)… đóng vai trò “cầu nối” giúp thành viên có điều kiện dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh; kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện cấp nguồn điện 3 pha để chạy các máy quạt nước tạo sóng, bảo đảm môi trường cho các ao nuôi; chủ động nguồn cung con giống có chất lượng bảo dảm năng suất, giá trị kinh tế cao kết hợp với cung cấp thức ăn thủy sản cho các thành viên với giá rẻ hơn 10-12% so với thị trường. Đối với ngành chủ lực chăn nuôi, toàn tỉnh phát triển thành công 10 HTX dịch vụ chăn nuôi an toàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn; trong đó phải kể đến HTX chăn nuôi lợn Yên Lợi (Ý Yên); HTX chăn nuôi Long Phú ở xã Trực Thái (Trực Ninh)… là những đơn vị tiêu biểu, đã tạo ra thay đổi mang tính “cách mạng” về phương thức chăn nuôi tại địa phương, từ tự phát, thiếu liên kết, giá cả, thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao… sang chăn nuôi khoa học, an toàn và cho hiệu quả kinh tế cao; góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao ý thức về sản xuất sạch, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Liên minh HTX tỉnh, đánh giá về hoạt động của HTX của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan khẳng định: Các HTX đã từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém trong tổ chức, quản lý và hoạt động; có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều HTX đã huy động thêm được vốn góp của thành viên, tổ chức thêm ngành nghề mới, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, ngày càng khẳng định vai trò của kinh tế hợp tác, HTX... Năm 2018, toàn tỉnh có 88 HTX đang hoạt động hiệu quả, xếp loại khá và tốt; 134 HTX trung bình. Các HTX đạt doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân đạt 50 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong HTX đạt 3 triệu đồng/người/tháng; kinh tế hộ ở nông thôn được bảo đảm quyền lợi, phát triển bền vững. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX đã tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ bà con nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả, từng bước được nâng cao. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, kết cấu hạ tầng được mở mang hiện đại; việc kiến thiết hệ thống thủy lợi, giao thông đầu tư nước sạch, vệ sinh môi trường đều có sự tham gia thiết thực của các HTX. Các điều kiện sống, sinh hoạt ở nông thôn ngày càng đầy đủ, giảm khoảng cách với thành thị.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy