Vụ xuân năm nay đang có sự khởi đầu tốt đẹp, thời tiết thuận lợi, sức xuân căng tràn trên những cánh đồng. Trong những ngày đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi 2019, nông dân trong tỉnh đã nô nức xuống đồng, tranh thủ tối đa nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, bảo đảm lịch thời vụ. Khí thế lao động hối hả, phấn chấn ở các địa phương hứa hẹn một vụ xuân thắng lợi.
Nông dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) xuống đồng gieo sạ lúa xuân. |
Thời gian qua, thời tiết ấm nắng nên các trà mạ xuân sinh trưởng rất tốt. Theo kiểm tra thực tế của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến ngày mồng 5 Tết (ngày 9-2), mạ dày xúc trà sớm đạt 4-4,5 lá, đại trà đạt 3-3,5 lá; mạ nền trà sớm đạt 3 lá, đại trà 2-2,5 lá. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo phát động nông dân xuống đồng gieo cấy lúa xuân ngay từ ngày mồng 3 Tết để tránh mạ già quá tuổi. Ngay từ trước Tết, nông dân ở các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đã đồng loạt xuống đồng sạ được 100ha lúa xuân. Trên cánh đồng các xã Nghĩa Đồng, Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh... của huyện Nghĩa Hưng có khá đông nông dân ra đồng tranh thủ lấy nước đổ ải, đắp bờ, dọn ruộng. Ở những ruộng đã đủ nước, tiếng máy cày bừa giòn tan khiến không khí xuân càng thêm rộn rã. Những năm gần đây, huyện Nghĩa Hưng luôn cố gắng để hoàn thành gieo cấy sớm trong khung thời vụ của tỉnh. Trước đây, thời gian gieo cấy lúa xuân của huyện thường kéo dài khoảng 23 ngày thì đến nay đã được rút ngắn chỉ còn 13 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tiết nước, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch là những yếu tố cấu thành đảm bảo đạt năng suất lúa cao của Nghĩa Hưng. Vụ xuân năm nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang thực hiện tốt phương châm chỉ đạo chung về thời vụ lúa xuân của huyện là “ruộng, mạ phải sẵn sàng”, nông dân tập trung gieo mạ từ ngày 23 đến ngày 27-1, bảo đảm kịp bắt đầu cấy từ mồng 3 Tết (7-2) và kết thúc trước ngày 11 tháng Giêng (15-2) khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tại huyện Hải Hậu, không khí lao động sản xuất đầu xuân cũng diễn ra hết sức khẩn trương, hối hả. Đồng chí Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến ngày 27-1, toàn bộ diện tích mạ nền đã gieo xong đúng lịch. Công tác bừa lồng, bừa cấy cũng được nông dân cơ bản hoàn thành trước ngày 2-2 (28 tháng Chạp). Hiện nay, huyện đang chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc và bảo vệ mạ; tranh thủ thời tiết thuận lợi, xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Phấn đấu kết thúc gieo sạ, gieo vãi trước ngày 12-2 (mồng 8 tháng Giêng) và cấy lúa trước ngày 20-2. Có mặt tại huyện Xuân Trường, chúng tôi cảm nhận không khí Tết đang được người dân chuyển từ nhà ra đồng. Cảnh tượng máy làm đất, người trang, người kéo, cả sức trâu cũng được huy động xuống đồng để san phẳng ruộng phục vụ gieo sạ… hối hả, sôi động. Chúng tôi gặp Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Tùng đang đi kiểm tra sản xuất, anh phấn khởi cho biết: Hiện nay, diện tích sản xuất lúa theo phương pháp này của huyện được mở rộng lên trên 4.400ha, xấp xỉ 80% tổng diện tích gieo cấy trong vụ xuân năm nay. Các xã: Xuân Phong, Xuân Châu, Xuân Kiên, Xuân Thủy, Xuân Hồng đăng ký gieo sạ 100% diện tích. Từ mồng 2 Tết (6-2), huyện đã chỉ đạo nông dân xuống giống, mồng 3 (7-2) tổ chức tiêu dần nước để mồng 7 (11-2) bắt đầu gieo sạ. Trong khi đó, các diện tích cấy mạ nền cứng cũng đã được huyện chỉ đạo xuống giống từ ngày 19 tháng Chạp (24-1), gieo mạ từ ngày 25 tháng Chạp (30-1) để kịp thời cấy lúa từ mồng 10 tháng Giêng (14-2). Toàn huyện phấn đấu hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 14 tháng Giêng (18-2), trước kế hoạch chung của tỉnh 2 ngày. “Vui hơn nữa là trong vụ xuân này huyện xây dựng được 42 mô hình cánh đồng lớn, trong đó có 6 xã là Xuân Ninh, Xuân Thượng, Xuân Phong, Xuân Đài, Thọ Nghiệp, Xuân Bắc xây dựng 8 mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa lai F1, lúa thuần Nam Hương 4 với quy mô gần 150ha” - anh Tùng cho biết thêm.
Hòa trong tiết xuân ấm áp, chúng tôi qua các xã: Yên Hồng (Ý Yên); Vĩnh Hào (Vụ Bản); Đồng Sơn (Nam Trực); Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); Hải Thanh (Hải Hậu); Giao Hà (Giao Thủy)… Các địa phương cũng đang tận dụng tối đa diện tích chủ động được nước để tiến hành gieo sạ. Theo bà con nông dân, việc gieo sạ vừa đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cả về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Và quan trọng hơn là giảm phần lớn công lao động nặng nhọc cho nông dân, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp hiện nay. Diện tích gieo sạ toàn tỉnh đến nay đã đạt trên 50% tổng diện tích gieo cấy. Đây cũng là thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là từ “cuộc cách mạng” dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kết hợp làm giao thông và thủy lợi nội đồng. Trên các cánh đồng sản xuất lúa giống của các xã Trực Hùng (Trực Ninh); Xuân Ninh (Xuân Trường); Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng)… bà con nông dân đang tích cực chăm sóc mạ, tập trung vận chuyển phân bón ra ruộng. Những năm gần đây, sản xuất lúa giống ở các địa phương này được liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp, cho thu nhập ổn định, bình quân mỗi vụ trên dưới 100 triệu đồng/ha nên nông dân rất hào hứng trước mỗi vụ mới. Dọc theo tuyến đường Vàng qua các xã Nam Hoa, Nam Hùng và Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), nông dân đổ xuống đồng thu hoạch nốt diện tích khoai tây đông để chuyển sang trồng lạc xuân. Ở vùng đất 2 lúa chuyển đổi của xã Nam Điền và Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), nông dân đang tập trung đánh cây cà chua con xuống ruộng trồng cho kịp thời vụ. Các hộ nông dân ở xã Giao Yến, Giao Phong (Giao Thủy) thì tập trung làm bầu dưa hấu vụ xuân hè với các giống Hắc Mỹ Nhân, Phù Đổng để kịp trồng trước ngày 25-2…
Để phục vụ sản xuất đầu xuân, công tác chuẩn bị được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực thực hiện từ trước Tết Nguyên đán. Ngoài việc chỉ đạo cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… các địa phương đã tổ chức tốt việc lấy nước và giữ nước phục vụ công tác làm đất, gieo cấy lúa xuân. Các hợp tác xã nông nghiệp phân công nhân viên thủy nông canh coi, giữ nước đảm bảo thuận lợi cho việc làm đất; đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ bừa ngả, tăng thời gian ngâm ruộng, tăng lượt bừa đảm bảo chất lượng làm đất thật ngấu ngả theo đúng phương châm “ruộng chờ mạ”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các huyện, thành phố phân công cán bộ bám sát địa bàn, cùng nông dân bảo đảm toàn bộ diện tích lúa xuân được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, đồng thời hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo cấy phù hợp từng giống lúa, cách chăm sóc lúa mới cấy, phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng...
Ngay trong “tháng ăn chơi” theo quan niệm cũ, nông dân các địa phương vui Xuân mới nhưng cũng luôn theo sát chỉ đạo sản xuất của tỉnh, của huyện nhộn nhịp ra quân góp phần thực hiện mục tiêu phủ xanh toàn bộ trên 74 nghìn ha lúa và gần 12 nghìn ha cây màu xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Bà con nông dân đã nhận thức rõ về tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết biến động khó lường, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và thu nhập của họ nói riêng, kinh tế của địa phương nói chung. Màu xanh mơn mởn của mạ non đang báo những tín hiệu vui về một mùa vụ sản xuất bội thu./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh