Xuân Trường đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp

08:01, 28/01/2019

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, huyện Xuân Trường đã tích cực đổi mới tổ chức sản xuất, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Các mô hình liên kết trong sản xuất từ cung ứng đầu vào đến đầu ra dần được nhân rộng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… đáp ứng đòi hỏi của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác. 

Mô hình tích tụ ruộng đất phát triển trang trại tổng hợp tại xã Xuân Vinh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc.  (Trong ảnh: Chăm sóc vịt trời - một trong các đối tượng sản xuất tại trang trại.)
Mô hình tích tụ ruộng đất phát triển trang trại tổng hợp tại xã Xuân Vinh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc. (Trong ảnh: Chăm sóc vịt trời - một trong các đối tượng sản xuất tại trang trại.)

Huyện đã tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch nông thôn mới phù hợp để phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Đến nay, huyện đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 23 vùng sản xuất lúa theo cánh đồng lớn với quy mô gần 1.500ha; 2 vùng sản xuất giống lúa lai F1 85ha; 35 vùng phát triển kinh tế trang trại; 5 cơ sở giết mổ tập trung tại các xã Xuân Tiến, Xuân Đài, Xuân Hồng, Thọ Nghiệp, Thị trấn Xuân Trường và 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại xã Thọ Nghiệp. Sau khi có các quy hoạch được phê duyệt và hoàn thành dồn điền đổi thửa đã tạo thuận lợi cho các địa phương trong huyện chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn; từng bước thực hiện tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, bảo đảm đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng nhanh thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và bền vững. Thời gian qua huyện đã từng bước thu hút được các cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu, các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo tiền đề phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, có tính cạnh tranh cao. Điển hình là Tập đoàn Vingroup đầu tư dự án sản xuất rau sạch tại vùng đất bãi xã Xuân Hồng với diện tích khoảng 140ha để cung cấp các sản phẩm rau, quả an toàn cho thị trường nội địa. Dự án đã tạo việc làm cho gần 300 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc tích tụ được 42ha để sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi trồng thủy sản, cây dược liệu, rau các loại, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty đang liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiệp Hoà, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường đầu tư trồng măng tây, sản xuất hạt giống lúa lai F1. Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường liên kết với các nhóm hộ nông dân của 2 xã Xuân Ninh và Xuân Thượng tổ chức vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 với quy mô 100ha; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Diệu tích tụ ruộng đất sản xuất cây dược liệu kết hợp chăn nuôi, nuôi thủy sản tại vùng bãi các xã Xuân Thành, Xuân Tân với quy mô 13ha; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Mai đầu tư trang trại quy mô 0,7ha tại xã Xuân Ninh liên kết với nông dân ở các xã: Xuân Ninh, Xuân Kiên, Xuân Phú, Xuân Thành trồng nấm thương phẩm… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 19 hộ nông dân thuê mượn, tập trung ruộng đất với quy mô từ 3ha trở lên để sản xuất lúa gạo hàng hóa, hằng năm cung ứng ra thị trường, chủ yếu là các thành phố lớn, khoảng 2.000 tấn lúa gạo. Đến nay huyện Xuân Trường có 26 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã tổ chức chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đạt 100%;  thành lập mới 1 Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa. Phần lớn các hợp tác xã sau chuyển đổi đều hoạt động có hiệu quả, kinh doanh có lãi; một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao, điển hình như: Xuân Kiên, Xuân Hùng, Hành Thiện. Tỷ lệ dịch vụ vật tư nông nghiệp của các hợp tác xã cung ứng trên địa bàn huyện bình quân chiếm khoảng 45% thị phần, chủ yếu là lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Một số hợp tác xã thành lập tổ dịch vụ khép kín từ khâu làm đất đến khâu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ gieo sạ, bảo vệ thực vật như: Xuân Kiên, Xuân Phương, An Cư. 

Lĩnh vực chăn nuôi của huyện Xuân Trường đang chuyển đổi nhanh từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại công nghiệp và bán công nghiệp với đối tượng vật nuôi chủ yếu là lợn, gia cầm. Hiện nay, toàn huyện có 57 trang trại và 283 gia trại chăn nuôi. Các trang trại, gia trại chăn nuôi đã đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và áp dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo các quy trình về chăn nuôi theo hướng VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Một số mô hình chăn nuôi trang trại điển hình như: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chăn nuôi Phú Lộc, xã Xuân Thượng nuôi lợn với quy mô 400 con lợn nái ngoại và 1.000 con lợn thịt đã đạt chứng nhận trang trại VietGAHP. Hằng năm, Công ty xuất bán ra thị trường 270 tấn thịt hơi và 7.500 con lợn giống thương phẩm. Trang trại nuôi gà đẻ của gia đình ông Phạm Thế Đưởng ở xã Xuân Thủy, quy mô nuôi 5.000 con gà đẻ, sản lượng trứng bán ra khoảng 1 triệu quả/năm. Hiện trang trại đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lên 10 nghìn con gà đẻ. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Phú ở xã Xuân Ninh đầu tư xây dựng hệ thống chuồng kín nuôi lợn nái ngoại sinh sản với quy mô 1.200 con nái.

Thời gian tới, huyện Xuân Trường chỉ đạo các địa phương tiếp tục vận động nông dân tích cực tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa bằng hình thức góp đất hoặc thuê mượn, tích tụ ruộng đất... Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hoặc liên kết một số khâu trong chuỗi giá trị với quy mô phù hợp trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia liên kết. Tổ chức rà soát, phân loại, đánh giá đúng thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã hiện có nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích thành lập mới và phát triển mạnh các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm sản xuất hàng hóa lớn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com