Vững tin cùng đất nước vào xuân

08:01, 30/01/2019

Năm 2018 kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đạt nhiều thành tựu; trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì được ổn định, tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn mức dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước; chỉ số lạm phát (CPI) được kiểm soát ở mức 3,54%; có sự chuyển biến rõ rệt, thực chất hơn trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng trong dòng chảy, xu thế đó, kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018 cũng đạt được thành tích toàn diện nhất, cao nhất, nổi bật nhất kể từ đầu nhiệm kỳ: có 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 8,1%, cao nhất trong 3 năm 2016-2018; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5%; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 2,6 tỷ USD; thu ngân sách ước đạt 5.275 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ... 

Làng quê đổi mới.
Làng quê đổi mới.

Tiêu biểu nhất phải kể đến thành tích trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này với 100% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và 6/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương đều tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đúng với tư tưởng chỉ đạo xây dựng nông thôn mới không có điểm cuối. Nhờ đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt, văn hóa không ngừng được cải tạo, nâng cấp. Tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cả hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ với hệ thống giao thông huyết mạch, chiến lược, góp phần giúp việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư. Các công trình giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi cũng được ưu tiên tu sửa, nâng cấp, đầu tư mới thuận lợi cho việc đưa nhanh, nhiều cơ giới hóa vào sản xuất, tiêu thụ nông sản. Việc bố trí quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch và chủ trương xã hội hóa được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt giúp các nhà đầu tư thứ cấp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Trong năm 2018, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, chuẩn bị các điều kiện triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp: Yên Dương (Ý Yên), Đồng Côi (Nam Trực), Xuân Tiến (Xuân Trường). Tỉnh cũng chủ trương ưu tiên bố trí vốn đáp ứng nhu cầu vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở tất cả các ngành nghề của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Năm 2018, tổng nguồn vốn các tổ chức tín dụng cho vay trên toàn tỉnh đạt khoảng 55.739 tỷ đồng. Các địa phương đã xây dựng được 207 mô hình “cánh đồng lớn” với tổng diện tích 11.474ha; trong đó có 34 cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị. Có 20 chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa, trong đó có 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Toàn tỉnh đã có 35 cơ sở, doanh nghiệp thực hiện được việc dán tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho 130 sản phẩm nông nghiệp. Nông sản chất lượng cao của tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế và mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước, tiêu biểu như: sản phẩm gạo chất lượng cao của Công ty Toản Xuân, cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng…; riêng sản phẩm ngao sạch sơ chế của tỉnh đã được tiêu thụ ổn định tại thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Sự hỗ trợ tích cực của các ngành, địa phương theo đúng chỉ đạo của tỉnh đã giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi, nâng cao khả năng chống chọi với các tác động của nền kinh tế trong nước và thế giới. Trong năm, toàn tỉnh có 237 doanh nghiệp ngừng kinh doanh đã khôi phục hoạt động trở lại. Toàn tỉnh có 814 doanh nghiệp và 128 chi nhánh, văn phòng đại diện được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 6.313 tỷ đồng, nâng tổng số trên toàn tỉnh lên 7.999 doanh nghiệp và 697 chi nhánh, văn phòng đại diện; đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 85 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký là 2.192,9 tỷ đồng và 24 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 197,5 triệu USD. Một số nhà đầu tư như Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hải Phát đang nghiên cứu triển khai một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 

Những thành tựu nổi bật của năm Mậu Tuất là nền tảng tạo nên sự vững tin để các cấp, ngành, các địa phương của tỉnh tiếp tục quyết tâm nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, phát huy trí tuệ tập thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội trong năm mới Kỷ Hợi, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của UBND tỉnh đã đề ra./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com