Đến thời điểm này, tỉnh ta nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng và bộ mặt các xã, thị trấn nông thôn mới phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân ngày một tốt hơn... Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân các địa phương còn có sự đóng góp tích cực của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp bà con nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) đầu tư máy gặt phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020” do UBND tỉnh phát động, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách; tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã đăng ký thời gian về đích cụ thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chỉ đạo các Ngân hàng Chính sách Xã hội các huyện rà soát nhu cầu vốn tất cả các chương trình tín dụng chính sách của các địa phương này để cho vay đủ theo nhu cầu, đảm bảo nguồn lực giúp sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Các chương trình tín dụng chính sách tập trung hướng vào cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên... Hoạt động cho vay chủ yếu là ủy thác qua các hội, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội với 229 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Đến hết năm 2018, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại 209 xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới đạt gần 2.978 tỷ đồng, chiếm hơn 98% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, với 106.568 khách hàng còn dư nợ. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã có 38.248 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ kênh này. Các chương trình cho vay tín dụng chính sách đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho đối tượng được thụ hưởng vay, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đáng kể, hiện toàn tỉnh còn khoảng 14.678 hộ, giảm 3.589 hộ so với thời điểm cuối năm 2017. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách đã có thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên khá giả; nhiều em học sinh con hộ nghèo có điều kiện tiếp tục theo đuổi các chương trình học nghề, học đại học, tạo dựng nền tảng, cơ hội để thoát nghèo bền vững. Cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng lên, góp phần để địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Ý Yên đang trong giai đoạn “nước rút” hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới, vì vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã xây dựng kế hoạch tín dụng tập trung cho vay các chương trình liên quan đến các tiêu chí nông thôn mới như chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chi nhánh đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện tiến hành rà soát, phân loại các đối tượng có nhu cầu làm mới, cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường để phân bổ nguồn vốn về các thôn, xóm, tổ dân phố; tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thiết lập hồ sơ để giải ngân nhanh chóng, kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng nguồn vốn chính sách. Nhờ đó tính đến hết năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ý Yên đã giải ngân trên 34 tỷ đồng cho 2.759 khách hàng vay vốn để sửa chữa, nâng cấp và làm được 2.831 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tiếp tục hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thời gian tới Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các xã, thôn xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, các địa phương tuyên truyền sâu rộng làm thay đổi nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững, đồng thời khơi dậy ý chí chủ động vươn lên, tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Đảng, Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ, vươn lên khá giả. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương, của tỉnh; tăng cường vận động ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhất là các đối tượng được thụ hưởng... để tạo nguồn tại chỗ cho vay, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại