Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên khu vực biên giới biển của tỉnh diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất khó kiểm soát. Sau khi khai thác cát trên biển, các phương tiện vận tải đã ngang nhiên xâm nhập vào các cửa sông lớn như sông Hồng, sông Sò, sông Đáy, sông Ninh Cơ để bán cát, sỏi cho các đơn vị san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp Thịnh Lâm (Giao Thủy), Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) và một số công trình giao thông, xây dựng có nhu cầu khác. Trên đường vận chuyển, nhiều phương tiện tiếp tục vươn vòi rồng xuống lòng sông hút cát bằng những máy bơm công suất lớn, gây sạt lở nghiêm trọng đến hệ thống đê kè và bãi bồi chắn sóng ven biển. Trước thực trạng này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc, tìm giải pháp ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm khắc đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật; trong đó Bộ đội Biên phòng tỉnh được xác định có vai trò chủ đạo. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 1022/KH-BCH ngày 16-10-2018 đề ra phương án đấu tranh phòng, chống hoạt động khai thác cát, vận chuyển khoáng sản trái phép trên khu vực biên giới, vùng biển tỉnh Nam Định. Trong đó đã yêu cầu các Đồn Biên phòng ở khu vực ven biển tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật và bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có mỏ cát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với lực lượng Công an, Cảnh sát biển, chính quyền địa phương 20 xã, thị trấn trên tuyến biên phòng, Bộ đội Biên phòng các tỉnh tiếp giáp như Thái Bình, Ninh Bình trong triển khai tuần tra kiểm soát và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Xác định trách nhiệm của chỉ huy các cấp, nhất là người đứng đầu, gắn liền với giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ nội bộ; động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị tích cực đấu tranh chống hoạt động vi phạm pháp luật về khoáng sản; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay, bảo kê hoặc làm ngơ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các địa bàn trọng điểm được xác định đó là khu vực cửa sông Hồng, giáp ranh tỉnh Thái Bình thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Ba Lạt; khu vực cửa sông Đáy, xã Nghĩa Hải, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Ngọc Lâm; khu vực cửa sông Sò, Thị trấn Quất Lâm, bãi ngang xã Giao Phong thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Quất Lâm. Đối tượng cần tập trung đấu tranh là những người chủ mưu, cầm đầu, chủ bến bãi, chủ phương tiện có dấu hiệu hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản...
Lực lượng trinh sát, Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt tàu hút cát trái phép hoạt động tại khu vực Cồn Lu (Giao Thủy). |
Sau khi xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên khu vực biên giới, vùng biển tỉnh Nam Định bảo đảm chi tiết, đồng bộ, có tính thực tiễn cao, các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Số liệu thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh cho thấy, trong giai đoạn từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2017, trên khu vực biên giới biển mới chỉ phát hiện, bắt giữ được 17 vụ khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt hành chính hơn 220 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, do tăng cường lực lượng và các biện pháp đấu tranh, trên khu vực biên giới biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý được 48 vụ với 56 tàu vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản, phạt hành chính gần 640 triệu đồng. Điển hình như vào hồi 23 giờ ngày 21-9-2018, đơn vị làm nhiệm vụ tại xã Giao Hải (Giao Thủy) đã phát hiện phương tiện HD 2779 do Nguyễn Văn Xuân, sinh năm 1976, trú tại xã Minh Hòa, huyện Kim Môn (Hải Dương) làm thuyền trưởng đang sử dụng 17 máy hút cát trên tàu để khai thác cát trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng khai nhận trên tàu có 6 thuyền viên, đã khai thác gần 100m3 cát. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt hành chính với chủ tàu, người thuê tàu, các thuyền viên số tiền gần 54 triệu đồng; yêu cầu bồi hoàn toàn bộ số cát bị khai thác trái phép về vị trí ban đầu. Ngày 4-11-2018, lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắt được 3 chủ tàu là Đỗ Văn Hường, sinh năm 1976, trú tại xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa); Trần Văn Hưởng, sinh năm 1984, trú tại xã Kim Tân, huyện Kim Sơn (Ninh Bình); Phan Văn Chung, sinh năm 1985, trú tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đều vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không có đăng ký phương tiện, không có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện theo quy định. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử phạt hành chính mỗi phương tiện gần 10 triệu đồng. Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Các đối tượng thường lợi dụng lúc đêm tối, thời tiết xấu, ngày nghỉ để sử dụng phương tiện chuyên dụng có công suất rất lớn khai thác. Họ tổ chức, bố trí cảnh giới, theo dõi sát lực lượng chức năng để thông báo cho nhau. Nếu bị bắt, họ dùng điện thoại báo cho chủ các phương tiện vi phạm khác biết. Khó khăn nữa trong việc phát hiện, xử lý đối tượng khai thác cát trái phép, nhất là ở khu vực giáp ranh đó chính là xác định tọa độ ghi trên giấy phép. Vì vậy, có những trường hợp lực lượng chức năng nhận được tin báo, nhưng khi đến nơi tàu hút cát đã trở về khu vực được khai thác cho nên không thể xử phạt.
Thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở từng khu vực cụ thể do địa phương quản lý, Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; đề xuất với UBND tỉnh siết chặt quản lý cả “đầu vào” lẫn “đầu ra” của hoạt động khai thác cát. Với các công trình xây dựng, yêu cầu phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc cát dùng để san lấp, xây dựng nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trái phép từ khu vực biên giới biển vào đất liền của tỉnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu