Nông sản nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến - Những vấn đề đặt ra

08:01, 18/01/2019

Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh phát triển với nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao như thịt lợn, thủy hải sản, ngô, khoai lang, khoai tây dược liệu… đã và đang thúc đẩy cả hai lĩnh vực kinh tế công nghiệp, nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hiện đại. Tuy nhiên việc thực hiện chiến lược phát triển vùng nguyên liệu vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết đồng bộ.

Sản xuất rau vụ đông tại xã Yên Cường (Ý Yên).  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Sản xuất rau vụ đông tại xã Yên Cường (Ý Yên). 

I. Nông sản nguyên liệu: nhiều mà vẫn thiếu

Mỗi năm tỉnh ta sản xuất khoảng 950 nghìn tấn lương thực có hạt; 400 nghìn tấn rau, củ, quả; 200 nghìn tấn thịt hơi các loại; 140 nghìn tấn thủy sản với những sản phẩm nổi tiếng như lúa gạo, khoai tây, lạc, ngao, cá bống bớp… Trong đó, có nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và được truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: vùng nguyên liệu lạc, khoai tây, rau vụ đông ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thủy, Mỹ Lộc; vùng lúa đặc sản ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường; vùng hoa cây cảnh ở Nam Trực, Mỹ Lộc, vùng nuôi trồng thủy, hải sản ở các huyện ven biển. Đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Những nông sản này được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty Rau quả xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình); Công ty cổ phần Traphaco; Công ty Thủy sản Lenger; Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Dương… bao tiêu sản phẩm làm nguyên liệu chế biến, hiệu quả sản xuất cao hơn 15-20% so với mô hình sản xuất truyền thống. Tuy nhiên đa số nông sản nguyên liệu của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp chế biến. Công ty Thủy sản Lenger (Cụm công nghiệp An Xá, Thành phố Nam Định) chuyên chế biến ngao xuất khẩu; trung bình, công ty cần đến 300 tấn ngao/ngày để sản xuất đa dạng sản phẩm từ ngao tươi sống, đến đồ hộp và đông lạnh để xuất đi châu Âu và thị trường Hàn Quốc. Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Giám đốc Công ty cho biết: Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan lựa chọn Nam Định để đặt trụ sở nhà máy chế biến thủy sản bởi nơi đây có vùng nuôi ngao rộng lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy, công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua ngao từ các vùng nguyên liệu trong tỉnh đã được chứng nhận an toàn chất lượng. Tuy sản lượng ngao của tỉnh lớn, chất lượng ngao ngon, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng do giống ngao của tỉnh ta nhỏ, vỏ không trắng nên không thể xuất khẩu ngao nguyên vỏ, do vậy chỉ dùng cho sản phẩm chế biến. Công ty phải thu mua phần lớn ngao nguyên liệu từ nơi khác phục vụ xuất khẩu ngao vỏ, đây là thiệt thòi lớn cho người nuôi ngao của tỉnh. Còn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Dương (Thành phố Nam Định) chuyên chế biến các loại nông sản sấy khô. Sản phẩm chủ lực của công ty là ngô nếp, khoai tây, khoai lang sấy. Trung bình mỗi năm công ty sử dụng hàng triệu tấn nguyên liệu nông sản thô, tuy nhiên hầu hết nguyên liệu công ty vẫn phải nhập từ tỉnh ngoài trong khi sản lượng khoai tây và ngô nếp của tỉnh ta sản xuất hằng năm rất lớn và vẫn phải tiêu thụ ở thị trường tự do. Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Dương, để sản xuất ngô nếp sấy, vào vụ sản xuất, trung bình mỗi ngày công ty cần 20 tấn nguyên liệu nhưng ngô tại tỉnh ta chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ (khoảng 10ha) do công ty liên kết với Hợp tác xã Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) là đáp ứng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật sơ chế; lượng nguyên liệu còn lại phải thu mua ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình. Tương tự như thế, mỗi năm tỉnh ta sản xuất khoảng 4.500 tấn khoai tây nhưng công ty chỉ thu mua được 600 tấn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn trồng tại xã Nam Hùng (Nam Trực) với diện tích khoảng 50ha; số lượng còn lại công ty phải đặt hàng các vùng sản xuất tỉnh ngoài. 

II. Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ

Việc đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu nông sản tại chỗ có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp chế biến. Nếu các nhà máy chế biến nông sản trong tỉnh sử dụng hết từ nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản địa phương; người sản xuất yên tâm đầu tư cho nuôi trồng. Ngoài ra còn lại giải quyết được thêm nhiều việc làm cho lao động trong khâu thu mua, sơ chế nguyên liệu. Mặt khác không “lãng phí” các chính sách ưu đãi của tỉnh. Đối với công ty chế biến vừa tranh thủ được sự hỗ trợ về cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh lại đảm bảo các điều kiện an ninh trong quá trình sản xuất thu mua, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, nhân công kỹ thuật kiểm soát chất lượng vùng nguyên liệu. Do đó việc đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp chế biến nông sản và vùng nguyên liệu đang là vấn đề quan trọng mà UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương, mỗi doanh nghiệp và người nông dân đều phải quan tâm chung tay giải quyết.

Theo doanh nghiệp tình trạng không được cung ứng đủ nguyên liệu dù đã chủ động liên kết sản xuất là do nguồn nông sản nguyên liệu của tỉnh ta không ổn định cả về chất lượng và số lượng. Khó khăn ở chỗ cả UBND tỉnh, các ngành chức năng và doanh nghiệp đều đã có chiến lược và áp dụng nhiều cơ chế hỗ trợ các hộ nông dân phát triển vùng nguyên liệu (quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng một số cây, con giống chủ lực; hỗ trợ nguồn vốn, cây con giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật và giá thu mua) nhưng chưa tổ chức được nhiều vùng sản xuất trên diện tích lớn, vẫn còn bộ phận người nông dân chưa tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật đã cam kết với doanh nghiệp. 

Để khắc phục những hạn chế này, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ nâng cao ý thức của người nông dân nghiêm túc thực hiện các quy chuẩn chất lượng nông sản khi tham gia các chương trình ký kết sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp để đảm bảo nông sản đạt quy chuẩn chất lượng doanh nghiệp chế biến yêu cầu. Trong đó các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ cần tập trung phối hợp xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nông sản tổng quát, dài hơi, dựa trên những tiềm năng lợi thế sẵn có; áp dụng các mô hình, kỹ thuật, giống mới năng suất và chất lượng. Trước mắt thúc đẩy nhân rộng kết quả các nhiệm vụ khoa học mang tính chiến lược như: Đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất khoai tây giống sạch bệnh tại tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2017”; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong việc chọn lọc giống; xây dựng nhà máy phân loại hạt giống, sấy, đóng gói, bảo quản lúa giống tại các cơ sở nghiên cứu trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu khôi phục giống ngao bản địa; du nhập các giống ngao mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và xu hướng thị trường. Tranh thủ những dự án đổi mới công nghệ quốc gia để có nguồn lực mạnh nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nông sản chế biến. Đối với các doanh nghiệp, cần phát huy tinh thần chia sẻ đồng hành với người sản xuất tập trung thực hiện các phương án đầu tư cho vùng nguyên liệu thông qua mối liên kết “4 nhà”. Cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động kiến thiết đề xuất các giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để chủ động được nguồn nguyên liệu. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất ở các vùng nguyên liệu, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng quản lý, nghiệp vụ cho cán bộ địa phương và cấp cơ sở, lực lượng kỹ thuật viên trên một số lĩnh vực liên quan đến phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh. 

Giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp đảm bảo phát triển nguồn cung nông sản nguyên liệu cho công nghiệp chế biến góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com