Nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, thời gian qua, Hội Nông dân xã Xuân Hồng (Xuân Trường) đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần hướng tới nền nông nghiệp sạch và sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.
Nông dân xã Xuân Hồng (Xuân Trường) tập trung làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. |
Xuân Hồng là xã thuần nông với tổng diện tích đất nông nghiệp gần 400ha. Trước đây, do thu nhập từ nông nghiệp không cao dẫn đến nhiều người dân phải đi làm ăn xa, ruộng đất canh tác manh mún, hoang hóa nhiều. Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Ban Nông nghiệp xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp phát huy lợi thế của địa phương với các đối tượng cây, con chủ lực; đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất mới, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Qua đó, nhiều mô hình được xây dựng thành công và nhân rộng như: mô hình gieo sạ, trình diễn giống lúa mới, lựa chọn cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Với việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, các biện pháp canh tác tiên tiến, công nghệ cao được áp dụng đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng như đối với cây lúa áp dụng biện pháp 3 giảm, 3 tăng; đối với cây lạc áp dụng công nghệ che phủ ni lông, cây ngô, khoai đảm bảo quy trình canh tác theo mùa vụ đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng… Ngoài ra, việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch ngày càng được áp dụng phổ biến. Đến nay, các HTX trên địa bàn đã đưa các loại máy kéo, máy gặt đập liên hoàn vào thu hoạch, đã cơ giới hóa được hơn 98% khâu làm đất, hơn 11% khâu gieo cấy, hơn 52% khâu thu hoạch. Theo đó, cơ cấu giống vụ xuân tập trung chủ yếu là Bắc thơm số 7 (chiếm 90% diện tích gieo cấy, còn lại là lúa Dự hương và nếp đặc sản); vụ mùa theo cơ cấu 70-80% diện tích gieo cấy giống lúa Dự hương, còn lại là nếp đặc sản, trồng rau màu như: ngô, khoai, lạc theo từng thời vụ. Với việc áp dụng đúng quy trình canh tác, nhờ đó, năng suất lúa bình quân năm 2018 toàn xã đạt trên 123,5tạ/ha; năng suất ngô, lạc, khoai lang đạt 1,5-2 tạ/sào (bình quân thu nhập đạt 1,2 triệu đồng/sào ngô; 2 triệu đồng/sào khoai lang). Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả được nhân rộng như: Mô hình chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang chăn nuôi bò ở xóm 2, 3; mô hình nuôi vịt, chăn nuôi gia súc, gia cầm của các hộ ở xóm 36 thuộc đất vùng bãi ven đê sông Ninh Cơ… với tổng đàn gia cầm đạt trên 32 nghìn con, đàn lợn trên 7.100 con, đàn trâu bò 420 con. Hiện, toàn xã có gần 50 trang trại, gia trại có quy mô lớn, mức thu nhập bình quân 150-250 triệu đồng/năm. Điển hình như trang trại của anh Nguyễn Văn Thịnh, xóm 10, Hành Thiện, chăn nuôi trên diện tích đất vùng bãi sông Ninh Cơ với quy mô 200 lợn nái, lợn giống, 500-600 con lợn thịt. Hay trang trại nuôi gia cầm của anh Đặng Văn Toản, xóm 36 với quy mô hơn 5.000 vịt đẻ, gà đẻ; hộ ông Phạm Quang Nhự, xóm 36, hiện đang nuôi trên 2.000 vịt đẻ, bình quân mỗi ngày thu được 90-95 quả/100 con vịt đẻ trứng. Các hộ chăn nuôi đã áp dụng quy trình công nghệ xử lý chất thải bằng men vi sinh… đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Nét nổi bật trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của xã là nông dân đã bắt đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng chí Nguyễn Xuân Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, để hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, Hội Nông dân xã đứng ra nhận ủy thác, tín chấp với các ngân hàng cho nông dân vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 70 tỷ đồng, cho trên 750 lượt hộ vay. Cùng với đó, Hội Nông dân tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân tích cực tham gia làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, quy hoạch vùng sản xuất vụ đông. Vận động cán bộ hội viên nông dân hưởng ứng xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 110ha đưa vào gieo cấy đồng giống, đồng trà, bằng công cụ sạ hàng, từ đó giảm chi phí sản xuất. Ngoài diện tích cho Công ty VinGroup đấu thầu (100ha), trên diện tích còn lại các hộ nông dân tiếp tục áp dụng và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên vùng đất bãi để đầu tư phát triển các loại ngô, lạc, đậu, vừng cho năng suất cao.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của từng vùng; đồng thời chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân trong các phong trào thi đua, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; làm cầu nối giữa ngân hàng với hộ nông dân để hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi mua máy móc, thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất; từng bước hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, áp dụng cơ giới hoá gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn