Những ngày cuối năm, nhiều làng đào trên địa bàn tỉnh lại tất bật với công việc chăm sóc, để chuẩn bị cho một mùa làm ăn quan trọng nhất năm. Làng đào ở các xã như: Nam Mỹ (Nam Trực), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng)... tấp nập người ra vào.
Ông Đỗ Văn Bình, tổ dân phố Nam Hà, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đang chăm sóc vườn đào cung ứng thị trường dịp Tết. |
Có mặt tại vườn đào của gia đình ông Đỗ Văn Bình, tổ dân phố Nam Hà, Thị trấn Cổ Lễ, một trong những gia đình có kinh nghiệm trồng đào lâu năm nhất thị trấn, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương của những ngày cận Tết. Vừa tiếp chúng tôi, ông vừa tranh thủ trả lời điện thoại của những thương lái phương xa, hoặc tiếp các thương lái đến tận vườn chọn cây. Năm nay, nhà ông Bình trồng khoảng 3 sào, mỗi sào trồng hơn 300 gốc đào. Đây là thời điểm quan trọng nhất nên gia đình ông tập trung nhân lực tỉa lá, lộc non để cây đào nuôi nụ. Tuy thời tiết năm nay không được thuận lợi, nắng nhiều, mưa về các tháng cuối nên đào bật lộc sớm, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm bón, đến thời điểm này đào vẫn phát triển đúng kế hoạch của người trồng. Ông Bình cho biết: “Để có được những cây đào thế đẹp, ra nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào phải vô cùng kỳ công và tỉ mỉ trong rất nhiều khâu chăm sóc như: làm đất, bấm ngọn, tuốt lá…”. Trồng đào mất cả năm trời nhưng đến thời điểm đào bắt đầu ra mắt cho đến khi cận Tết luôn được người trồng đào đánh giá là thời gian quan trọng nhất, bởi nó quyết định sự được hay mất của cả vụ hoa đào. Trồng và chăm sóc đào đòi hỏi rất kỳ công, thời kỳ được cho là thích hợp nhất để tuốt lá đào thường bắt đầu vào tháng 10 âm lịch, người trồng đào phải hạn chế các loại phân có hàm lượng đạm cao. Sau đó, từ giữa tháng 11 âm lịch, dừng bón phân vào gốc và tưới nước vừa phải để chuẩn bị tuốt lá. Muốn có hoa đẹp nở trong dịp Tết, song song với việc khoanh hãm đào, phải tuốt lá trước thời điểm trước Tết từ 50-60 ngày. Thời gian tuốt lá tùy thời tiết trong từng năm ấm hay lạnh và sức sinh trưởng của cây. Trong trường hợp áp dụng đúng quy trình nhưng thời tiết bất thường gặp rét kéo dài, ảnh hưởng rõ rệt đến sự nở hoa, thì phải thúc đào nếu đào nở muộn. Thông thường thì khi đến tháng 12 âm lịch chưa thấy có hoa, gặp thời tiết lạnh kéo dài thì phải thúc hoa bằng cách ngừng tưới nước sau vài ngày, rồi tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm 40-50 độ C vào quanh gốc, 5-6 lần/ngày, quây ni-lông, thắp điện vào ban đêm. Đồng thời, phun phân bón lá kích thích cho hoa phát triển sớm hơn. Vào cuối tháng 11 âm lịch, nếu thời tiết ấm kéo dài, nụ hoa đã nhú to, hoa có khả năng nở sớm thì phải hãm đào bằng cách làm giàn che lưới đen và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán cây, pha phân u-rê nồng độ 1% phun lên thân lá hoặc tưới bằng nước lạnh, nên đánh cây vào chậu, dùng dao khoanh một hay nhiều vòng xung quanh thân đào để hạn chế vận chuyển chất dinh dưỡng nuôi cây, ức chế quá trình sinh trưởng như hãm đào lần đầu. So với các cây trồng khác, hoa đào mang lại nguồn thu nhập cao nên người dân đã tập trung đầu tư. Ông Đỗ Văn Hòa ở Thị trấn Liễu Đề năm nay đã 60 tuổi, người đã có 30 năm kinh nghiệm trồng đào cho biết: thời tiết hiện tại đang rất thích hợp cho đào phát triển nuôi nụ, tuy nhiên lúc này việc chăm sóc phải hết sức cẩn thận bởi nếu làm mạnh tay sẽ khiến nụ đào bị rụng hoa. Cũng theo ông Hòa, thời gian này người nông dân sẽ bấm đi các ngọn đã buông không làm nụ được nữa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi nụ đào. Chăm sóc đào kỹ là thế nhưng những người trồng đào như ông Hòa đều khẳng định cả vụ hoa được hay mất còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, vì đào đang làm nụ để ra hoa nhưng chỉ cần trời rét đậm mà không có biện pháp chăm sóc kỹ càng sẽ khiến đào bị lạnh và chết, người nông dân coi như mất trắng. Theo những người có kinh nghiệm trồng đào lâu năm như ông Bình, ông Hòa thì muốn đào ra hoa đẹp và thắm thì phải trồng trên nền đất mới thay thế cho nền đất cũ bởi nếu dùng lại đất cũ chất lượng hoa sẽ kém đi. Dịp Tết những gốc đào đẹp, đảm bảo đủ các yếu tố gồm: cây lâu năm, có nụ, có hoa và lộc sẽ được thương lái thu mua với giá rất cao từ 2-3 triệu đồng/gốc, còn lại giá bình quân từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng/gốc. Cũng theo ông Hòa, không chỉ ở vườn của gia đình ông, mà ở cả các vườn khác, hầu hết các gốc đào đều đã có chủ, chỉ đợi đến ngày gần Tết là họ “bật” gốc mang về chơi. Không chỉ khách địa phương, nhiều thương lái ở các tỉnh như: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam… cũng tìm đến tận vườn để thu mua với số lượng nhiều, thu nhập từ bán đào đối với hộ trồng ít cũng được từ 60-70 triệu đồng/vụ, còn đối với hộ trồng nhiều thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Tết Nguyên đán đang đến gần, không khí hối hả ở các làng đào đang lên từng ngày, đáp ứng yêu cầu của thị trường, ước nguyện về một năm tràn đầy phúc lộc tới mọi người, mọi nhà./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh