Sau nhiều năm miệt mài “đèn sách” trên giảng đường đại học, khi ra trường, những cử nhân, kỹ sư vốn xuất thân từ các vùng nông thôn đều mong muốn tìm được một công việc ổn định ở các thành phố lớn. Thế nhưng, cũng có không ít bạn trẻ quyết định rời xa chốn “phồn hoa đô hội” để về quê lập nghiệp, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của quê hương. Trước thềm Xuân Kỷ Hợi, chúng tôi có dịp gặp gỡ những “nông dân trí thức”, tham quan mô hình và nghe về câu chuyện làm giàu bền vững, hiệu quả kinh tế cao của họ.
“Nông dân 4.0”
Một ngày cuối năm, trong cái rét buổi xuân sớm hơi se lạnh, như đã hẹn trước, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi cá truyền thống của anh Trần Văn Khoa, ở xóm 16, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). Vừa tranh thủ chia cá cho các đầu mối đến thu mua, Khoa chia sẻ quá trình về quê lập thân, lập nghiệp. Tốt nghiệp chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch của Đại học Mở (Hà Nội), đã từng là một “tour guide” (hướng dẫn viên du lịch) có tiếng với nhiều chuyến hướng dẫn du khách đi tham quan nhiều nơi trong cả nước. Nhiều công ty lữ hành đã mời Khoa đi “tua” với mức thù lao 7-10 triệu đồng/chuyến; mỗi tháng từ 3-5 chuyến. Nhưng trong suy nghĩ của mình, Khoa luôn muốn quay về “làm nông dân” bởi quê anh có nghề nuôi cá truyền thống. Nghĩ là làm, khoảng giữa năm 2016, Khoa quyết định về quê lập nghiệp. Những ngày đầu bắt tay vào phát triển nuôi trồng thủy sản, Khoa luôn xác định phải tập trung vào việc cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông sản sạch. Khoa cho biết: “Tôi có thuận lợi rất lớn là gia đình gốc làm nông, qua quá trình tích lũy đã có sẵn cơ sở sản xuất là trang trại nuôi thủy sản của gia đình với diện tích hơn 10ha. Tôi chỉ về kế thừa và ứng dụng thêm khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất”. Nhận thấy thị trường hiện đang tập trung vào sản xuất theo chuỗi liên kết, vợ chồng Khoa vừa sản xuất vừa tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, vừa kết hợp sử dụng mạng xã hội để quảng bá hàng hóa nông sản. Trên diện tích hơn 2ha ven sông Châu Giang, Khoa bàn với gia đình thực hiện phương thức “đa canh đa nuôi” với nhiều con nuôi có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, các loại cá cảnh và ba ba. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, Khoa đã quy hoạch hệ thống ao nuôi cá truyền thống, cá cảnh và ba ba. Đồng thời, anh cũng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gà ta để cung cấp cho nhu cầu của thị trường Thành phố Nam Định và các tỉnh, thành phố lân cận. Áp dụng những kiến thức học được, anh còn chủ động tìm học, cập nhật các kiến thức mới; liên hệ với bạn bè để bổ sung những biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Nhờ đó, hơn 2 năm qua, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Trần Văn Khoa gần như “miễn nhiễm” với các dịch bệnh, các loại vật nuôi luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Với hướng đầu tư đó, những sản phẩm như: cá nướng, cá kho, thịt gà ta sạch, tôm đồng, ba ba… được nhiều người đặt hàng thông qua giao dịch trên mạng xã hội như facebook, zalo... Với sự nỗ lực vượt khó, đầu tư đúng hướng, trang trại của gia đình Khoa ngày càng có hiệu quả. Bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình anh xuất bán hàng chục tấn cá trắm đen, 6-8 tấn cá cảnh, cá Koi và hàng nghìn con gà ta cho các thị trường Hà Nội, Nam Định… Trừ chi phí, bình quân mỗi năm trang trại cho thu nhập 250-300 triệu đồng, giúp gia đình anh có điều kiện tiếp tục tái đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thu hoạch cá ở trang trại của gia đình anh Trần Văn Khoa, xóm 16, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). |
Triệu phú đầm tôm
Khi Đỗ Văn Khương, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) quyết định bỏ việc ở một công ty lớn về nuôi trồng thủy sản, bạn bè ai cũng ngạc nhiên, Khương chỉ cười: “Làm ở đâu cũng được, miễn là mình làm chủ chính mình, làm chủ công việc của mình”. Sinh ra ở miền quê thuộc tỉnh Thái Bình, vốn yêu thích và gắn bó với quê biển, Khương thi vào Đại học Thủy sản Nha Trang. Năm 2005, Khương tốt nghiệp kỹ sư thủy sản và đi làm ở các doanh nghiệp. Duyên nợ với vùng quê biển, năm 2009, Khương “bén duyên” với cô bạn cùng học và quyết định về quê vợ ở Giao Thịnh để phát triển kinh tế. Những ngày đầu chuyển ra khu vực chuyển đổi, anh gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đây là vùng trồng lúa nhưng có nhiều hố sâu khiến cho việc cải tạo hết sức phức tạp. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Hội Nông dân xã Giao Thịnh, anh lập kế hoạch và vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung cải tạo hút bùn đáy, xây dựng bờ ao, tu sửa cống cấp thoát nước, phủ bạt quanh sườn ao để ngăn cá rúc làm sạt lở bờ, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước… Thời gian đầu anh vừa nuôi tôm kết hợp các loại cá truyền thống. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của một số địa phương khác kết hợp với kiến thức đã học cùng trải nghiệm thực tế, Khương nhận thấy nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước lợ cho hiệu quả kinh tế cao nên anh lại một lần nữa mạnh dạn chuyển đổi đối tượng con nuôi mới. Khương chia sẻ: “So với tôm nuôi ở vùng nước mặn thì nuôi tôm ở môi trường lợ có những ưu điểm như khi mưa nhiều, môi trường nước ít bị thay đổi độ mặn đột ngột sẽ giảm được hiện tượng tôm bị sốc, tôm cũng ít bị các dịch bệnh liên quan đến môi trường cũng như một số bệnh do vi khuẩn gây ra”. Không những thế, trong môi trường nước lợ, người nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng hệ số thức ăn thấp, lượng chất thải ít nên hạn chế được ô nhiễm môi trường trong ao, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho chạy quạt máy. Khương cho biết thêm, trong quá trình nuôi tôm cần đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm và đặc biệt hệ thống tiêu thoát nước đúng quy trình, môi trường ao nuôi luôn sạch sẽ. Ngoài nuôi tôm và cá thương phẩm, gia đình anh Khương còn sản xuất tại chỗ các giống cá truyền thống, cá cảnh phục vụ cho nhu cầu của người nuôi trong vùng. Với sự kiên trì và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, mỗi năm gia đình anh thu được trên 10 tấn tôm, cá thương phẩm và cá giống thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện, trang trại của Khương cũng là một “điểm đến” học tập kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng.
Chia sẻ về bí quyết làm giàu với hướng đi hiệu quả bền vững, những “nông dân trí thức” đều có quan điểm chung. Đó là nếu biết tận dụng những lợi thế của địa phương thì việc làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương không khó. Nhất là bản thân họ đều là những người có kiến thức, kinh nghiệm, được va chạm, rèn giũa trong quá trình học tập, đi thực tế ở các vùng miền. Mỗi khi về quê, thấy đồng đất quê mình rộng mà còn bỏ trống nhiều, bà con nông dân chưa biết khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều người trăn trở, mong muốn quay trở về “đánh thức” tiềm năng đất đai của đồng đất quê hương. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp các trường đại học quay trở về phát triển kinh tế tại quê nhà. Không ít người trẻ đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp như anh Trần Chung, ở xã Giao Lạc (Giao Thủy) với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch và phân phối sản phẩm như dây chuyền sản xuất phân bón nano tích hợp cho cây trồng. Anh Chung đã tập trung đầu tư xây dựng Hợp tác xã Trường Xuân. Trong đó, ngoài các sản phẩm nông sản sạch, hợp tác xã của anh còn sản xuất các loại phân bón mới và đã được thử nghiệm thành công trên 10ha; sản phẩm ứng dụng IoT cho môi trường nước thủy sản, kho lạnh, tưới tự động trong nông nghiệp; Robot đặt hạt rau củ, quả tự động; máy cày bừa phù hợp với mọi vùng miền; máy cày bừa thủy phi cơ; nhà màng chịu bão cấp 8; hệ pin năng lượng mặt trời...
Với nhiều chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã mở ra cơ hội cho nhiều người trẻ có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên. Họ - những triệu phú nông dân thời đại 4.0 đã mang lại sự đổi thay khởi sắc cho nhiều vùng quê./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn