Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Thành (gọi tắt là Hợp tác xã Nam Thành) là một trong 3 hợp tác xã hoạt động trên địa bàn xã Đồng Sơn (Nam Trực) đã thể hiện vai trò quan trọng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Dịch vụ làm đất do Hợp tác xã Nam Thành thực hiện đáp ứng yêu cầu của các thành viên. |
Hợp tác xã Nam Thành được giao quản lý 356ha đất canh tác. Khi địa phương triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã đã tích cực đổi mới phương thức quản lý, tổ chức các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên. Với nhận thức “Hợp tác xã là nhà, thành viên hợp tác xã là chủ”, Hội đồng quản trị Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng theo Luật Hợp tác xã năm 2012 tập trung vào việc tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Hợp tác xã xây dựng đề án tổ chức hoạt động từng khâu dịch vụ sản xuất bám sát kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ của huyện, xã để có biện pháp hướng dẫn, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Hợp tác xã đã và đang tổ chức 8 dịch vụ, bao gồm: dịch vụ thủy nông, kiến thiết ruộng đồng, nạo vét kênh mương, cung ứng vật tư nông nghiệp, đánh chuột, làm đất, thu hoạch nông sản và bao tiêu sản phẩm nông sản. Hợp tác xã tổ chức một tổ thủy nông (gồm 7 thành viên) để thực hiện dịch vụ kiến thiết đồng ruộng, vệ sinh nạo vét kênh mương, thu gom, vớt bèo, cỏ trên các dòng sông tiêu, điều tiết nước kịp thời cho công tác làm đất và sự phát triển của cây lúa theo từng giai đoạn; chống hạn, úng kịp thời… Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành công của việc chuyển đổi phương thức gieo cấy truyền thống sang phương pháp gieo sạ thẳng. Trong việc tổ chức dịch vụ làm đất, từ vụ xuân năm 2017 Hợp tác xã chuyển từ dịch vụ thỏa thuận sang quản lý điều hành trực tiếp, chất lượng dịch vụ này đã có hiệu quả nâng lên rõ rệt, giá làm đất giảm 10-15%. Tiếp nối thành công đó, từ năm 2018, Hợp tác xã tổ chức dịch vụ thu hoạch, tập hợp các chủ máy gặt đập liên hợp và thống nhất về một đầu mối để Hợp tác xã điều hành. Dịch vụ này đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất gặt gọn vùng, tránh được việc tranh chấp cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ máy, thống nhất giá cả. Nếu như trước đây, giá gặt một sào theo thị trường tự do là 100 nghìn đồng, sau khi Hợp tác xã chỉ đạo thống nhất, giá giảm chỉ còn 85 nghìn đồng/sào với lúa đứng, 95 nghìn đồng/sào nếu lúa đổ. Hợp tác xã cũng tập trung nguồn vốn để đảm bảo cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên đạt yêu cầu về chất lượng và giá cả. Bình quân mỗi vụ, Hợp tác xã cung ứng từ 80-90 tấn thóc giống, hơn 300 tấn phân bón các loại, đáp ứng yêu cầu của thành viên Hợp tác xã. Đặc biệt, trong dịch vụ bao tiêu sản phẩm, từ năm 2014, Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Tổng Công ty cổ phần Lương thực miền Bắc để thu mua thóc ngay tại ruộng cho thành viên hợp tác xã, đồng thời liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) bao tiêu sản phẩm cho thành viên với tổng diện tích canh tác 52ha. Theo đó, đầu vụ sản xuất, Công ty cung ứng vật tư (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); cuối vụ, Công ty thu mua thóc tại ruộng. Vì vậy, các thành viên Hợp tác xã yên tâm về đầu ra sản phẩm, giá thu mua của Công ty cũng cao hơn so với thị trường 10-15%. Mô hình liên kết này đã giúp việc sản xuất lúa đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo điều kiện cho thành viên tiêu thụ lúa gạo ổn định và bền vững. Hợp tác xã còn phối hợp tổ chức ký hợp đồng dịch vụ diệt chuột với doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lúa, nếu lúa bị thiệt hại trên 5% diện tích gieo cấy do chuột phá hoại thì doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho thành viên. Do làm tốt dịch vụ này, nên nhiều năm qua diện tích lúa trên địa bàn Hợp tác xã không bị chuột phá hoại, đảm bảo an toàn cho lúa sinh trưởng.
Với các dịch vụ phục vụ sản xuất đạt hiệu quả thiết thực, có lợi cho nông dân. Hợp tác xã đã tạo được niềm tin và sự gắn kết với thành viên khẳng định hướng đi đúng theo mô hình Hợp tác xã kiểu mới, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, tổng doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 862 triệu đồng; năm 2017, đạt trên 1 tỷ 348 triệu đồng, lãi trên 63,3 triệu đồng. Năm 2018, đạt trên 1,5 tỷ đồng; tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã Nam Thành đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn