Với vị trí địa lý thuận lợi, trên địa bàn lại có nhiều làng nghề truyền thống như: Bình Yên, xã Nam Thanh; Vân Chàng, Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang; Đồng Quỹ, xã Nam Tiến… nên huyện Nam Trực có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, trong năm 2018, huyện Nam Trực đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giữ vững tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nam Tiến, xã Nam Tiến. |
Ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, có thế mạnh của huyện là: cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp phụ trợ cho Thành phố Nam Định và các huyện xung quanh như: Nghĩa Hưng, Trực Ninh. UBND huyện đã giao Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ Khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí... để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ túc kỹ thuật mới cho công nhân. Đồng thời, UBND huyện giao Phòng Công thương chủ trì phối hợp với các phòng chức năng và các xã, thị trấn tổ chức rà soát, tham mưu cho UBND huyện trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung thêm 2 cụm công nghiệp mới là Tân Thịnh (diện tích 50ha) và Nam Thanh (diện tích 25ha); đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch Cụm công nghiệp Đồng Sơn. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện tối đa về thủ tục, mặt bằng để các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư triển khai xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc, sớm đưa vào hoạt động. Nhờ đó, năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện (giá so sánh năm 2010) vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, ước đạt 6.122 tỷ đồng, tăng 9,4% so với kế hoạch và 14,4% so với năm 2017. Các ngành công nghiệp trọng điểm của huyện như: cơ khí, dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng đều đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó ngành cơ khí đạt gần 3.929 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 14,7%; ngành dệt may đạt gần 1.122 tỷ đồng, tăng 13,8%; ngành sản xuất vật liệu xây dựng đạt 601 tỷ đồng, tăng 13,6%... so với cùng kỳ. Các sản phẩm chủ yếu: dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, phụ tùng xe máy, xe đạp, thiết bị, phụ kiện ngành điện, giao thông, bưu chính viễn thông, đồ dùng gia dụng, khăn xuất khẩu, hàng da giày… Đến nay toàn huyện đã phát triển được trên 300 doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mở rộng ngành nghề sản xuất. Năm 2018, nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của huyện đã đạt mức doanh thu khả quan so với năm trước như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim khí Anh Tú doanh thu ước đạt 300 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng doanh thu ước đạt trên 150 tỷ đồng và nhiều công ty mới đã thu hút hàng nghìn lao động như Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Pan-PaciFic, Công ty May Nam Tiến, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Vận… Các cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, hiệu quả. Cụm công nghiệp Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, sản phẩm chủ yếu là mặt hàng sắt, nhôm, đồ gia dụng (chậu nhôm, xoong nhôm, ấm nhôm các loại...) thu hút trên 600 lao động tham gia sản xuất. Cụm công nghiệp Đồng Côi giai đoạn I có 31 doanh nghiệp đã tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào sản xuất. Căn cứ Quyết định số 662/QĐ-UBND ngày 29-3-2018 của UBND tỉnh về việc mở rộng Cụm công nghiệp Đồng Côi, vừa qua UBND huyện Nam Trực đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết mở rộng Cụm công nghiệp Đồng Côi do Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Nam Giang làm chủ đầu tư; tổng diện tích là 399.500m2. Trong đó diện tích đất xây dựng nhà máy, kho tàng là 259.956m2, chiếm 65,07%; đất giao thông là 77.962m2, chiếm 19,52%; diện tích còn lại là các loại đất cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật và đất dịch vụ hành chính... Ngoài việc tập trung phát triển sản xuất các ngành công nghiệp và làng nghề truyền thống, huyện Nam Trực còn chú trọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã chọn Nam Trực là địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Công ty trách nhiệm hữu hạn YAMANI (Đài Loan) đầu tư ở xã Nam Hồng với mức vốn trên 1.000 tỷ đồng, thu hút gần 5.000 lao động thường xuyên; Công ty trách nhiệm hữu hạn LONGYU (Nhật Bản) đầu tư 150 tỷ đồng, thu hút 500 lao động; Công ty Syngenta đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất giống lúa lai với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng trên diện tích 8ha; Công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Vàng chuyên sản xuất các sản phẩm từ da ở xã Đồng Sơn với diện tích 9,8ha, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng; dự kiến thu hút 4.000 lao động. Hiện nay Công ty đã hoàn thành công tác xây dựng và đang triển khai sản xuất thử nghiệm, tạo việc làm cho 600 lao động. Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Pan-Pacific với diện tích 5ha ở xã Đồng Sơn mức đầu tư 400 tỷ đồng đã đi vào hoạt động và thu hút 1.000 lao động. Công ty cổ phần Nam Tiến đầu tư nhà máy may ở xã Nam Tiến với mức 50 tỷ đồng đã đi vào hoạt động thu hút 500 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019 huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung chủ yếu vào các ngành: cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng và thêu ren các loại… Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hoá sản phẩm. Phấn đấu năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện ước đạt 7.040 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018./.
Bài và ảnh: Thành Trung