Sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) được giới thiệu tại Hội chợ công nghiệp - thương mại phía Bắc năm 2018 tổ chức tại Thành phố Nam Định. |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương ở cả trong nước và xuất khẩu, trong năm 2018, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tập trung hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: máy móc cơ khí phục vụ công - nông nghiệp, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, hàng nông sản thực phẩm chế biến,... quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai. Thông qua các hoạt động này, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã kết nối được với các đối tác trong và ngoài nước. Trung tâm đã hỗ trợ hàng chục lượt doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc cơ khí, hàng nông sản thực phẩm và hàng may mặc của tỉnh tham dự 7 hội chợ triển lãm có uy tín, quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Nam; Hỗ trợ 7 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng nông sản thực phẩm của tỉnh tham dự Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018. Sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, hội nghị đều là các sản phẩm có thương hiệu; sản phẩm của các làng nghề truyền thống cơ khí, gỗ mỹ nghệ; sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGap, HACCP, ISO 9001:2008, FSSC 22000... Các gian hàng của doanh nghiệp trong tỉnh tại các hội chợ luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan trong đó có không ít đối tác trong và ngoài nước. Doanh số bán lẻ tại mỗi hội chợ của mỗi gian hàng ước đạt hàng trăm triệu đồng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải sản Hải Thịnh đã mở thêm được 1 đại lý tiêu thụ các sản phẩm nước mắm, mắm tôm thương hiệu Tân Phú tại Thành phố Phủ Lý (Hà Nam); Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất vật liệu Composite Nam Định kết nối được với Công ty Nomura Nhật Bản (có văn phòng đại diện tại Thủ đô Hà Nội) đàm phán để đặt sản xuất mẫu búp bê làm quà tặng xuất khẩu sang Nhật Bản. Trung tâm Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ 7 doanh nghiệp của tỉnh tham dự Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, nơi có sự tham gia của 400 doanh nghiệp của 53 tỉnh, thành phố và các nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị lớn như BigC, Vinmart, Lotte mart, AEON, Co.op mart, Hapro… Tại hội nghị, các sản phẩm của tỉnh như: gạo sạch Toản Xuân, ngao sạch Lenger, rau sạch Ngọc Anh, nông sản sấy Minh Dương, muối Nam Định, nước mắm Tân Phú, các loại bánh, kẹo truyền thống nhãn hiệu Kim Thành Hoa đã được các nhà phân phối đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Sau thời gian giao thương và kết nối tại hội nghị, cơ sở kẹo sìu châu Kim Thành Hoa đã ký được biên bản thoả thuận hợp tác với Hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản); Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh đã ký được thoả thuận hợp tác với Hệ thống siêu thị Lotte Mart (Hàn Quốc). Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam đã kết nối để đưa các sản phẩm ngao, hàu sạch vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch Eco Việt Nam, chuỗi nhà hàng Nhật Nikuma tại Hà Nội; mở thêm được 3 đại lý phân phối sản phẩm tại các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Lào Cai và đã ký được hợp đồng cung ứng ngao tại Thành phố Hà Khẩu (Trung Quốc); đàm phán giao dịch để nhập ngao, hàu cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể tại tỉnh Côn Minh (Trung Quốc). Hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, cho thấy sản phẩm hàng hóa của tỉnh đã từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế, hiệu quả xúc tiến thương mại còn chưa tương xứng với yêu cầu. Vẫn còn một số phiên chợ, hội chợ chưa đạt yêu cầu mục tiêu đề ra, hàng hóa chưa phong phú, đa dạng, việc tổ chức gian hàng còn sơ sài, chưa gây ấn tượng tốt. Tham gia các phiên chợ phần lớn là doanh nghiệp thương mại nên mới chỉ tập trung vào việc bán hàng, nội dung giới thiệu, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, nghiên cứu, thăm dò nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng chưa được quan tâm, thực hiện hời hợt…
Để khắc phục hạn chế này, cơ quản quản lý Nhà nước cần tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu với nhiều hình thức mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả như: Tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng… Dành nhiều hơn nữa nguồn lực hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên khuyến khích các nguồn lực ngoài Nhà nước để phục vụ hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại cả về thời lượng và nâng cao chất lượng. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh hoạt động thu thập, trao đổi, tìm kiếm thông tin xúc tiến thương mại từ các tổ chức kinh tế, thương mại và chuyên ngành xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại quốc gia. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ công tác thông tin xúc tiến thương mại... Về phía các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, xây dựng và phát triển thương hiệu đảm bảo năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới về mô hình, phương thức, cơ chế tài chính nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác thông tin xúc tiến thương mại tạo nhiều cơ hội phát triển thị trường, thị phần cho hàng hóa của tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương