Chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất vụ xuân năm 2019

08:01, 15/01/2019

Vụ xuân là vụ sản xuất chính trong năm bởi đây là vụ có điều kiện thời tiết ít biến động, thuận lợi cho đầu tư thâm canh, tăng năng suất và sản lượng lúa cao nhất. Hiện ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương và người dân trong tỉnh đang chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho sản xuất vụ xuân năm 2019 trước mắt đảm bảo gieo cấy lúa đúng khung thời vụ, góp phần giành vụ sản xuất thắng lợi.

Làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân tại xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân tại xã Đồng Sơn (Nam Trực).

Vụ xuân năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 74 nghìn ha lúa, năng suất đạt 68 tạ/ha trở lên. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vụ xuân 2019 khả năng là vụ xuân ấm. Tuy nhiên tháng 1 và tháng 2 có khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4 đến 6 ngày, đúng vào thời kỳ gieo cấy lúa xuân. Tổng lượng mưa dự kiến thấp hơn trung bình nhiều năm nên khả năng mặn sẽ xâm nhập sâu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ nên đã phát sinh thêm một số đối tượng sâu, bệnh gây hại mới, nhất là bệnh lùn sọc đen luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sản xuất lúa. Trước tình hình trên, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương chủ động kế hoạch tổ chức sản xuất vụ xuân 2019 trong điều kiện thời tiết vụ xuân có xu hướng ấm; với phương châm chỉ đạo lấy an toàn sản xuất làm đầu và hiệu quả sản xuất làm thước đo, phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu hại, dịch bệnh nguy cơ trên cây trồng. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống để chuyển dịch nhanh cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng và thời vụ theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bám sát diễn biến của thời tiết, thủy văn, chủ động, tích cực khắc phục khó khăn, linh hoạt các giải pháp kỹ thuật để sản xuất đạt kết quả cao trong mọi tình huống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng lịch thời vụ gieo mạ tập trung xung quanh tiết lập xuân, từ ngày 27 đến ngày 31-1; áp dụng phương thức gieo mạ nền, mạ dày xúc là chủ yếu; khuyến khích mở rộng tối đa diện tích gieo sạ hàng ở những vùng chủ động nước. Cấy sau Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 8-2 và kết thúc trước ngày 20-2. Gieo sạ tập trung từ ngày 8 đến ngày 13-2. Cơ cấu giống tập trung sử dụng các giống ngắn ngày, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và dễ tiêu thụ như: Bắc thơm số 7, Nếp 97, TBR225, Thiên ưu 8, TX111, Nhị ưu 838, CT16… Các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ điều kiện thời tiết khô hanh, huy động tối đa lực lượng, phương tiện làm đất, khẩn trương cày ải, cày lật đất để diệt lúa chét, cỏ dại nhằm hạn chế rầy lưng trắng là nguồn lưu trú của mầm bệnh lùn sọc đen. Đến nay, toàn tỉnh đã cày được trên 50 nghìn ha, đạt 67% tổng diện tích gieo cấy; các huyện có tỷ lệ cày lật đất cao trên 80% là Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Vụ Bản. Các diện tích không thể cày được ải đã được các địa phương chỉ đạo khoanh vùng, chủ động lấy nước sớm và chuyển sang làm dầm. Cùng với việc làm đất, bà con nông dân đang tập trung vệ sinh, chỉnh trang đồng ruộng, cải tạo mặt bằng và đắp bờ vùng, bờ thửa. Để đảm bảo đủ nước cho vụ xuân, các địa phương và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi; mua sắm thêm thiết bị máy móc; đồng thời tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa đảm bảo chủ động lấy nước sớm, khai thác hiệu quả 3 đợt xả nước hồ thủy điện. Hiện tất cả các công trình, máy móc, thiết bị đã chuẩn bị xong và sẵn sàng vận hành hết công suất phục vụ tốt cho công tác tưới, tiêu vụ xuân.

Về lúa giống, đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương… và các hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý vật tư nông nghiệp căn cứ vào kế hoạch cơ cấu giống của tỉnh và yêu cầu thâm canh để nhập đảm bảo cung ứng đủ lúa giống tiêu chuẩn và chất lượng phục vụ sản xuất. Được Trung ương hỗ trợ 250 tấn lúa giống gồm các giống Bắc thơm số 7, Nếp 97 và Thiên ưu 8 từ nguồn dự trữ quốc gia, vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng phương án phân bổ và tổ chức bàn giao toàn bộ lượng giống cho các xã, thị trấn đảm bảo chính xác, công bằng và khách quan nhất. Cũng tại thời điểm này, các hợp tác xã, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đủ các loại phân bón cần thiết như: Urê, NPK, lân, kali, DAP… với giá bán ổn định cho nông dân. Nhằm giúp nông dân tìm được giống lúa triển vọng, thích nghi với vùng canh tác tại các địa phương và khả năng chống chịu sâu bệnh, vụ xuân 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục mở rộng diện tích trình diễn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: TH6-6, 6129 vàng, Sut 89, QL3301… Trong vụ xuân năm nay, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát triển nhanh các mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung, các mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa và tăng hiệu quả kinh tế. Hiện trên địa bàn huyện Hải Hậu đã có 6 xã: Hải Phúc, Hải Đông, Hải Toàn, Hải An, Hải Giang tham gia liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nông lâm nghiệp Thái Bình, Công ty cổ phần Nông sản Tiến Vua, Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân. Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu cho biết: Ngoài diện tích được các doanh nghiệp đăng ký sản xuất ổn định tại các xã trên, trong vụ xuân 2019 huyện yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục đăng ký mở rộng liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con. Để chủ động quản lý các đối tượng dịch hại, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng kế hoạch quản lý dịch hại lúa xuân năm 2019, tập trung vào các nhiệm vụ: điều tra, dự báo thời điểm và mức độ phát sinh các đối tượng dịch hại chủ yếu; tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng trừ chuột, ốc bươu vàng, rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh lùn sọc đen…

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các địa phương nắm vững tình hình sản xuất, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp gieo cấy, chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật, thời vụ sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cây rau màu và thị trường cung ứng lúa giống, phân bón để tránh tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại trong sản xuất, nhằm đảm bảo vụ lúa xuân 2019 thắng lợi cho bà con nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



xe nâng dầu chính hãng Hangcha

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com