Trong những ngày qua đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại, nền nhiệt thấp kéo dài, có thời điểm nhiệt độ xuống 80C và có lúc có mưa đã tác động tiêu cực đến cây trồng, vật nuôi, nhất là đối với đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Cùng thời điểm này, dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương miền Bắc.
Nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) chăm sóc cây trồng vụ đông. |
Nhằm chủ động ứng phó với tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các huyện, thành phố thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Yêu cầu các hộ phải gia cố, che chắn kín chuồng trại đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, không để mưa tạt, gió lùa; cho gia súc gia cầm ăn, uống đầy đủ đảm bảo cả số lượng và chất lượng, chú ý không để thức ăn bị ẩm, mốc; bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu chăn nuôi, rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần. Khuyến cáo các hộ nuôi vào những ngày rét hại không chăn thả vật nuôi mà nhốt trong chuồng, nhất là đàn trâu, bò và vịt thịt; nếu đốt lửa để sưởi cho vật nuôi cần lưu ý thông gió không để vật nuôi bị ngạt hoặc gây hỏa hoạn. Huyện Hải Hậu có 90 nghìn con lợn; trên 2.500 con trâu, bò, dê và gần 1,2 triệu con gia cầm. Đồng chí Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những ngày qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thường xuyên cập nhật thông tin và phổ biến kịp thời diễn biến khí hậu để người chăn nuôi chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Phân công cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng chống rét và dịch bệnh; hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Yêu cầu chủ hộ gia cố chuồng trại, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng giúp đàn vật nuôi tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống rét. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, khử trùng tiêu độc theo đúng lịch phòng bệnh để tăng miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Các giải pháp nêu trên cũng được các địa phương khác trong tỉnh tích cực thực hiện để phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có gia súc, gia cầm bị chết do rét. Ông Phạm Văn Tuấn, xóm 3, xã Yên Quang (Ý Yên) nuôi 24 con bò. Ông Tuấn cho biết: Được tuyên truyền phổ biến về biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu vụ đông, ông đã chủ động dự trữ thức ăn tinh, khô như: rơm, cỏ khô. Trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua ông đều nhốt đàn bò trong chuồng kín gió và đảm bảo khẩu phần ăn để bảo vệ đàn bò của gia đình. Ông Phạm Văn Luận, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) - chủ hộ chăn nuôi 2.000 con gà thịt mỗi lứa cho biết: Đối với lứa gà con mới nhập trong mùa đông năm nay, ông đã chuẩn bị ô úm riêng và sử dụng hệ thống đèn hồng ngoại điều chỉnh mức nhiệt ổn định trong khoảng 22-280C để sưởi ấm cho gà. “Sở dĩ tôi phải làm như thế bởi gà con ở giai đoạn các bộ phận cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng kém nên rất dễ nhiễm bệnh” - Ông Luận cho biết thêm.
Cùng với chăn nuôi, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét bảo vệ cây trồng trước tác động tiêu cực của thời tiết. Trên những cánh đồng màu của các xã, thị trấn: Nam Hùng, Nam Dương, Nam Giang (Nam Trực); Nam Điền, Quỹ Nhất, Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng); Thành Lợi, Trung Thành (Vụ Bản)… nông dân thực hiện tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng trong những ngày rét đậm. Bón bổ sung phân kali, phân lân, giảm bón đạm để cây khoẻ mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Người trồng cà chua còn tỉa cành, nhánh làm thông thoáng bộ tán lá, hạn chế sâu, bệnh hại. Tại những vùng trồng hoa, cây cảnh phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi như: Điền Xá (Nam Trực), Nam Phong (Thành phố Nam Định), Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… bà con nông dân cũng đang chủ động ứng phó với thời tiết rét đậm. Chị Trần Thị Đào - người có kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm ở thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chia sẻ: “Với những giống hoa cúc, thời điểm này gặp rét đậm có thể khiến cây hoa bị héo hoặc chết. Do đó, gia đình tôi đã chủ động che chắn bằng nilon, thắp điện để tăng nhiệt độ, giữ ấm cho hoa”. Đối với sản xuất vụ lúa xuân 2019, thời điểm gieo mạ và cấy lúa vẫn có thể xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây khó khăn nhất định cho gieo cấy. Lường trước được việc này, ngành Nông nghiệp đã có giải pháp xử lý cụ thể bằng việc chỉ đạo các địa phương và các hộ nông dân thực hiện gieo cấy 100% diện tích bằng trà xuân muộn. Tập trung gieo mạ theo phương thức mạ nền là chủ yếu từ ngày 27 đến 31-1-2019. Các biện pháp chăm sóc, chống rét, bảo vệ mạ còn được ngành Nông nghiệp xây dựng thành quy trình và tổ chức tập huấn kỹ thuật đến từng thôn, xóm, đội sản xuất như: gieo mạ nơi khuất gió, gieo mạ nền cứng phải bảo đảm làm nền bùn dày 2cm. Gieo theo luống, làm vòm và che phủ nilon cho mạ khi trời rét theo nguyên tắc đêm che, ban ngày khi nhiệt độ trên 150C thì mở 2 đầu. Khi nhiệt độ cao hơn thì mở nilon hoàn toàn để mạ không bị nóng, lướt. Về thời vụ yêu cầu tổ chức cấy lúa từ ngày 10-2 và hoàn thành trước ngày 20-2-2019 khi nhiệt độ ngoài trời trên 150C. Với các diện tích gieo sạ tổ chức gieo tập trung từ ngày 8 đến ngày 12-2-2019 nếu trời ấm. Để chủ động đối phó với các biến động của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí hậu để chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời các giải pháp khi thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các hộ nông dân tích cực áp dụng mô hình làm mạ khay, cấy bằng máy; mở rộng tối đa diện tích gieo sạ hàng ở vùng chủ động nước, phấn đấu đạt trên 50% diện tích.
Việc chủ động, tích cực phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do tác động của thời tiết gây ra, bảo đảm thắng lợi cho sản xuất ngay từ đầu vụ, bảo vệ lợi ích kinh tế cho người nông dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh