Các làng nghề chế biến lương thực vào vụ Tết

08:01, 18/01/2019

Là tỉnh nông nghiệp nên nghề chế biến lương thực truyền thống ở tỉnh ta phát triển khá phong phú với nhiều sản phẩm nổi tiếng từ lâu đời như: bánh cuốn làng Kênh; bún Phong Lộc (Thành phố Nam Định); các sản phẩm: bánh phở, bánh đa, miến dong, miến gạo của làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, làng Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực), xóm 6, 7 xã Xuân Tiến (Xuân Trường), xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)… Trong đó có 2 làng nghề chế biến lương thực đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định là các làng nghề: chế biến lương thực ở xóm 6, 7 xã Xuân Tiến và sản xuất miến dong, bánh đa gạo, miến gạo thôn Phượng, xã Nam Dương. Về các làng nghề những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nơi nào chúng tôi cũng gặp không khí sản xuất rộn rã, hối hả, xe tải vào, ra tấp nập để lấy hàng đưa đi phục vụ thị trường Tết.

Sản xuất bánh kẹo tại làng nghề Đông Cường, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Sản xuất bánh kẹo tại làng nghề Đông Cường, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Xã Nam Dương (Nam Trực) nổi tiếng với nghề sản xuất miến, bánh đa. Lúc hưng thịnh, toàn xã có trên 100 hộ ở các thôn Phượng, Chiền… tham gia sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài tiêu dùng tại chỗ, các sản phẩm làm từ 2 loại nguyên liệu chính là gạo và bột dong như: bánh đa, bánh phở, bánh đa quạt, miến... của xã Nam Dương còn được xuất bán khắp các chợ trong tỉnh và có thương lái tiêu thụ trong cả nước. Hiện toàn xã còn gần 30 hộ sản xuất sản phẩm đa dạng các loại: miến dong, miến gạo, bánh đa, tạo việc làm cho gần 100 người có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Tuy số hộ sản xuất giảm song hầu hết các công đoạn nặng nhọc trước đây của nghề đã được máy móc thay thế, từ xay bột đến tráng bánh, máy đảo bột, máy thái sợi nên sản lượng hàng hóa vẫn lớn, sản xuất của các hộ đi vào chuyên sâu từng loại mặt hàng; có hộ chuyên làm miến dong, có hộ chuyên làm bánh đa (thái sợi và bánh đa quạt)… Là một trong những cơ sở lớn, chuyên làm miến dong, mỗi ngày cơ sở của ông Mai Văn Hựu, thôn Phượng tiêu thụ từ 4-5 tạ bột dong để sản xuất 2,5 tạ sản phẩm. Để đủ nguyên liệu sản xuất, mỗi tháng, gia đình ông thu mua khoảng 15 tấn bột dong từ Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… Với giá bán bình quân từ 43-45 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các loại chi phí, bình quân thu nhập đạt 500-600 nghìn đồng/ngày. Hộ ông Phạm Văn Sơn cũng ở thôn Phượng chuyên sản xuất bánh đa gạo. Mỗi ngày, cơ sở của ông Sơn tiêu thụ từ 1,5-2 tạ gạo nguyên liệu; thu nhập của người lao động cũng đạt từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Hiện nay, sản phẩm miến, bánh đa của thôn Phượng được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh. Ở các làng nghề chế biến lương thực khác như: xóm 6, 7 xã Xuân Tiến (Xuân Trường), xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), Thị trấn Yên Định (Hải Hậu), không khí sản xuất vụ Tết cũng hối hả, cấp tập. Theo ước tính của ông Vũ Văn Thắng, Trưởng ban điều hành làng nghề sản xuất bánh kẹo Đông Cường, Thị trấn Yên Định, vào dịp sát Tết, làng nghề rộn ràng, tấp nập suốt ngày đêm, xe ô tô ra, vào liên tục vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm đi phân phối tại thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên… Nhiều hộ trong làng nghề đã phải tăng cường nhân lực, máy móc hoạt động tối đa công suất để sản xuất từ 2-3 tạ bánh, kẹo/ngày; tạo việc làm cho 5-7 lao động với mức thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Các hộ sản xuất tiêu biểu của làng nghề gồm hộ các anh: Vũ Hữu Thọ, Vương Văn Vinh, Nguyễn Bắc Việt, Nguyễn Văn Cơ, Vũ Văn Đỉnh, Nguyễn Thế An… Thời điểm giáp Tết xưởng sản xuất bánh nhãn của anh Nguyễn Văn Cơ, tiểu khu 6 luôn trong tình trạng chạy đua với thời gian. Anh Cơ chia sẻ: Những ngày giáp Tết khách đặt hàng nhiều. Để làm 3 tạ bánh nhãn, mỗi ngày 7 lao động phải làm việc liên tục, anh thường xuyên phải thuê từ 2-3 người làm thời vụ; hàng nhà anh làm đến đâu được xuất hết đến đó. Xã Nghĩa Lâm hiện có gần 40 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm miến gạo, miến dong. Trong đó đã có gần chục hộ đầu tư dàn máy công suất tối đa 1 tấn/ngày. Anh Trần Văn Bân ở xóm 13 với kinh nghiệm trên 20 năm làm miến dong và là hộ đầu tư dàn máy sớm nhất ở địa phương cho biết: Mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất từ 5-7 tạ miến dong, những tháng sát Tết máy chạy tối đa công suất được trên 1 tấn/ngày mới đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Những ngày bình thường, ngoài 2 lao động của gia đình, anh phải thuê thêm 5-6 lao động phụ việc, dịp Tết ngoài số lao động này còn phải thêm 4-5 người mới đảm bảo kế hoạch sản xuất.

Càng gần Tết, các hộ sản xuất ở làng nghề truyền thống đều phải làm cật lực mới kịp giao hàng, không khí bận rộn, khẩn trương; dù mệt nhưng ai cũng phấn khởi, vì hàng càng bán chạy, thu nhập càng cao, Tết sẽ sung túc, đủ đầy hơn. Nghề chế biến lương thực, thực phẩm phát triển mạnh ở nhiều địa phương không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản mà còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn năng động hơn./.

Bài và ảnh: Thành Trung



Mua Trống trường học giá rẻDanh mục hộp quà tặng tết cho nhân viên thiết thực nhấtMua máy làm đá tự động ở đây

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com