Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch hành động tích cực thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý an toàn thực phẩm nông sản nhằm mang lại niềm tin, sự an tâm cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng mua hàng tại hội chợ giới thiệu nông sản an toàn tỉnh Nam Định và các vùng miền năm 2018. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về việc sử dụng hợp lý các loại vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), phòng chống dịch bệnh, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phổ biến các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và về công tác đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm… Qua đó đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, thịt, thủy sản. Uy tín chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh tiếp tục được củng cố và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có 590 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; trong đó, 103 doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác dịch vụ hậu cần nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, điển hình như các công ty: trách nhiệm hữu hạn Minh Dương, trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, cổ phần Thương mại và đầu tư Biển Đông, trách nhiệm hữu hạn Công Danh, Thủy sản Lenger Việt Nam, trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương... góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Việc hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đã được ưu tiên, quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố nên đã được triển khai rộng khắp trong tỉnh và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Các doanh nghiệp đã và đang tích cực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, hỗ trợ nông dân kết nối thị trường và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp tục được khẳng định về chất lượng an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước, xuất khẩu. Trong năm 2018, tỉnh ta có thêm 3 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản chính ngạch. Trong đó xuất khẩu nông sản chế biến (dưa chuột, cà chua) sang thị trường Liên bang Nga; nông sản sấy sang Trung Quốc và ngao sang thị trường EU. Sau 1 năm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ thành lập và đi vào hoạt động, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh đang dần khẳng định vai trò cầu nối quan trọng giúp phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh ổn định. Các hội viên trong Hiệp hội đã xây dựng thành công và đang duy trì hiệu quả các chuỗi liên kết như: chuỗi rau, quả, sạch sản xuất theo công nghệ cao (thủy canh, nhà lưới), hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh; chuỗi sản xuất rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty cổ phần Cơ khí Đình Mộc; Sản xuất chế biến tiêu thụ thịt lợn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành; sản xuất chế biến muối an toàn của Công ty cổ phần Muối và thương mại Nam Định...
Công tác giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được triển khai đồng bộ, hiệu quả toàn diện trên diện rộng, theo từng ngành hàng và theo chuỗi giá trị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản xây dựng và triển khai đồng bộ 3 chương trình giám sát nông, lâm, thủy sản: giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; giám sát tồn dư các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản, thủy sản. Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở theo chức năng nhiệm vụ cũng đã tổ chức lấy các mẫu giám sát an toàn dịch bệnh, giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trong năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản với tổng số 714 mẫu, gồm: 138 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến; 185 mẫu, rau, củ, quả và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật; 357 mẫu, thủy sản nuôi, mẫu thủy sản chế biến; 19 mẫu muối; 15 mẫu nước sản xuất. Kết quả giám sát phát hiện 13 mẫu vi phạm như: 3 mẫu giò có sử dụng hàn the, 1 mẫu thịt nhiễm Salmonella, 1 mẫu nấm linh chi vượt mức nhiễm vi sinh vật nấm men - nấm mốc, 1 mẫu tương ớt vi phạm chỉ tiêu hóa lý… Chi cục đã thực hiện các bước truy xuất, xử lý đối với các cơ sở vi phạm theo đúng quy định của Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT. Các cơ sở vi phạm khi được hướng dẫn đều đã cam kết chấp hành các biện pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, tăng cường tự kiểm tra và phối hợp tích cực với các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp khắc phục sai lỗi, truy xuất nguồn gốc theo quy định. Từ kết quả giám sát đã xử lý kịp thời các sự cố về an toàn thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh công tác kiểm soát tốt về chất lượng sản phẩm, các đơn vị thuộc Sở cũng đã quan tâm đẩy mạnh việc hỗ trợ các cơ sở thực hiện xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 150 cơ sở thực hiện công bố, tự công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 250 sản phẩm; 27 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP; GMP; SSOP; VietGAP; ISO… Có 35 doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem điện tử thông minh (QR code) đối với trên 130 dòng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối sản xuất tại tỉnh để quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả... Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Hướng dẫn thực địa cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh để tiếp tục phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, có thương hiệu, nhãn hiệu được bảo hộ, phát triển mạnh mô hình sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ Nhật Bản, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ các cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP... Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm... Tiếp tục thực hiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Phát động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đẩy mạnh công tác tự kiểm soát nguy cơ về an toàn thực phẩm. Phối hợp với Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, thiết lập kênh giám sát đồng bộ, chặt chẽ đối với các sản phẩm thực phẩm nông sản được đưa vào chương trình quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ với các tỉnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành theo chuyên đề, tập trung cho những khâu và sản phẩm được đánh giá có nguy cơ cao nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh