Với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, tháng 1-2018, ông Phạm Văn Cường, xóm 15, xã Trực Ðạo (Trực Ninh) đã đấu thầu gần 6ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả ở cánh đồng Hàng Lý tại địa phương, đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh mương, đường điện, đường nước… phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Trong một lần đi tham quan mô hình trồng cây trạch tả cho hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Ninh Bình, ông Cường thấy rất “kết” và quyết tâm đưa cây trồng này vào trang trại.
Mô hình trồng cây trạch tả dược liệu của ông Phạm Văn Cường ở xóm 15, xã Trực Đạo (Trực Ninh). |
Trạch tả là cây thuốc nam, trong y học cổ truyền được sử dụng để chữa một số bệnh như: lợi tiểu, chống đông máu, hạ đường huyết... Các nghiên cứu gần đây còn phát hiện đó là một vị thuốc quý có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút, giúp bệnh nhân thoát khỏi những đợt đau cấp và hỗ trợ phục hồi chức năng gan, thận, lưu thông máu nên rất được thị trường ưa chuộng. Sau khi tham quan thấy tâm đắc với cây trồng mới, ông Cường tìm đọc sách, báo nghiên cứu các đặc tính của cây trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cũng như giá trị kinh tế và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chế biến từ cây trạch tả. Qua đó, ông biết củ trạch tả sau khi thu hoạch có thể sấy khô để tiêu thụ với số lượng lớn. Hơn thế, trạch tả sinh trưởng và phát triển tốt trên những chân ruộng trũng, nhất là ruộng có bùn sâu, nhiều màu. Do vậy ông đã xây dựng công thức luân canh: 1 vụ lúa - cá từ tháng 2 đến tháng 8, sau đó từ tháng 8 đến tháng 1 trồng cây trạch tả trên 4ha ruộng. Nói về kỹ thuật trồng trạch tả, ông Cường cho biết: trạch tả cũng dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Cũng giống như cây lúa, trạch tả được cấy từ cây con. Hạt trạch tả được gieo từ cuối tháng 6, trong vườn ươm có vòm che bằng nilon. Theo ông Cường, mặc dù trồng trạch tả khá đơn giản nhưng ở giai đoạn ươm giống lại đòi hỏi người nông dân phải thật tỉ mỉ, công phu; đặc biệt lưu ý phun thuốc phòng trừ các bệnh thối nhũn, gỉ sắt, sương mai và sâu ăn lá trên cây con. Sau khoảng 50 ngày ở giai đoạn vườn ươm, cây được đánh xuống ruộng cấy với mật độ 8-10 cây/m2 vào khoảng giữa tháng 8. Cây trạch tả cũng cần bón phân kết hợp với làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh thường xuyên. Ðến nay, sau hơn 4 tháng trồng, chăm sóc với quá trình sinh trưởng thuận lợi, cây trạch tả dự kiến cho thu hoạch vào tháng 1-2019. Củ trạch tả sau khi thu hoạch được cắt lá, rửa sạch và đưa vào sấy. Ông Cường cũng đã đầu tư 50 triệu đồng để lắp đặt giàn sấy công nghiệp phục vụ sấy củ trạch tả và cả các loại nông sản khác. Theo tính toán của ông Cường: “Dự kiến năng suất mỗi sào trạch tả đạt 120-150kg củ khô. Nếu bán với giá như hiện nay là 38-40 nghìn đồng/kg trạch tả khô, trừ chi phí, tôi có lãi 2-2,2 triệu đồng/sào. Hiện đã có nhiều tư thương đến tìm hiểu và đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm củ trạch tả của trang trại. Củ trạch tả sấy khô nếu bảo quản đúng cách có thể để được hơn 1 năm nên người trồng cũng không phải lo nhiều về đầu ra hay bị ép cấp ép giá khi thu hoạch rộ sản phẩm”. Kế hoạch của ông Cường là từng bước xây dựng thương hiệu cây trạch tả ở địa phương thông qua chỉ dẫn địa lý. Nếu mô hình thành công và được nhân ra diện rộng, ông Cường sẽ cung ứng giống, kỹ thuật, thu mua lại củ tươi của bà con, hướng đến xây dựng liên kết theo chuỗi bền vững. Ðể phục vụ mục tiêu này, tháng 10-2018, ông Cường cùng với 8 hộ nông dân trong xã liên kết thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Hùng Cường chuyên sản xuất, kinh doanh cây gia vị, cây dược liệu, lúa hữu cơ; cung cấp giống các loại cây ăn quả, cây dược liệu; sản xuất và kinh doanh tinh dầu tự nhiên; nuôi trồng thủy sản… Việc thành lập hợp tác xã kiểu mới với mong muốn từng bước giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp thời hiện đại, nhận thức rõ hơn quá trình và đòi hỏi tất yếu phải chuyển từ sản xuất hộ đơn lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả. Với mô hình trồng cây trạch tả, gia đình ông Cường tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động quanh vùng với mức tiền công khoảng 150-200 nghìn đồng/người/ngày tùy theo công việc.
Ðồng chí Nghiêm Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Ðạo cho biết: Từ mô hình của gia đình ông Phạm Văn Cường cho thấy, cây trạch tả hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của xã Trực Ðạo, nhất là trên các chân ruộng trũng khó canh tác. Việc nhân rộng mô hình gieo trồng cây trạch tả sẽ là một trong những giải pháp tốt để giải quyết vấn đề nông dân bỏ ruộng hoang ở những chân ruộng xấu, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn xã. Thành công trong chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn thay thế một số cây trồng truyền thống không còn phù hợp góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, xã Trực Ðạo cũng đã xây dựng vùng sản xuất dược liệu trên những chân ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả; tạo điều kiện, khuyến khích nông dân phát triển trồng cây dược liệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất lao động của nông dân trên một đơn vị diện tích đất canh tác./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh