Là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Vụ Bản, lại có vị trí địa lý thuận lợi nằm liền kề Thành phố Nam Định; có 2 tuyến Quốc lộ 10, 37B đi qua địa bàn; lực lượng lao động trong độ tuổi trên 5.400 người… đó là những lợi thế quan trọng để Thị trấn Gôi (Vụ Bản) triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn bền vững theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, dự kiến bình quân thu nhập đầu người của thị trấn được nâng lên mức trên 43 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,97%.
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội thất tại Cty TNHH Thông Oanh, Thị trấn Gôi (Vụ Bản). |
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy thị trấn đã ra nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội với những chủ trương, định hướng phù hợp đặc điểm và nguồn nội lực của địa phương. Một trong những khâu “đột phá” được Đảng ủy, UBND thị trấn xác định là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương. Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài 360ha trồng lúa, thị trấn còn duy trì diện tích đất trồng màu trên 100ha với đa dạng cơ cấu cây trồng như: ngô ngọt (3 vụ/năm); lạc (vụ xuân và vụ hè - thu); đậu tương và rau màu các loại. Để khai thác sử dụng quỹ đất đạt hiệu quả, xã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém sang nuôi thủy sản, quy hoạch thành vùng chuyên canh nhằm tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Tổng diện tích chuyển đổi theo vùng xấp xỉ 18ha chuyên nuôi các loại cá nước ngọt, tổng sản lượng từ 53-55 tấn/năm. Đi đôi với phát triển sản xuất nông nghiệp, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý, nguồn lao động, Thị trấn Gôi còn tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề CN-TTCN để thúc đẩy tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương. Đảng ủy, UBND thị trấn đã ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch lại vùng sản xuất, thị trấn đã hình thành rõ 3 phân khu chức năng; trong đó khu vực phát triển CN-TTCN có mặt bằng gọn vùng, thuận tiện giao thông. Để hỗ trợ, thu hút nhà đầu tư, ngoài việc tạo thuận lợi tối đa khi giải quyết thủ tục hành chính, thị trấn còn tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động địa phương. Mỗi năm, thị trấn tổ chức 3-5 lớp từ các nguồn hỗ trợ Khuyến công, Đề án 1956 để dạy các nghề: may công nghiệp, cơ khí, mộc dân dụng… theo nhu cầu của doanh nghiệp hoặc người lao động. Kết hợp các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, sản xuất CN-TTCN ở Thị trấn Gôi đã khởi sắc mạnh mẽ. Trên địa bàn thị trấn đã phát triển được 33 doanh nghiệp, thu hút 1 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và hàng trăm hộ tham gia sản xuất CN-TTCN. Dự án đầu tư phát triển công nghiệp dệt may và các khâu phụ trợ trị giá 7 triệu USD của Cty TNHH Geu-Lim (Hàn Quốc) đã chính thức hoạt động ổn định từ năm 2015. Cty đã tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động, trong đó có trên 60% là lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn có hơn chục cơ sở may công nghiệp quy mô hộ gia đình (mỗi cơ sở có 5-10 máy may công nghiệp). Bên cạnh nghề may công nghiệp, nghề chế tác mộc mỹ nghệ của thị trấn cũng phát triển với gần 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, quy mô từ 3-10 lao động/cơ sở trải đều ở các tổ dân phố: Mỹ Côi, Tây Côi Sơn, Đông Côi Sơn, Vân Côi... Được thị trấn tạo điều kiện, trên diện tích 3.000m2, Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Thông Oanh đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ cao cấp. Mỗi tháng, Cty tiêu thụ khoảng 15-20m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất 25-40 bộ sản phẩm các loại. Cty hiện tạo việc làm cho 50 lao động, trong đó thợ chính với mức lương từ 6,5 triệu đồng/người/tháng; lương thợ phụ và lao động thời vụ (lắp ghép sản phẩm, đánh giấy ráp...) cũng đạt mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất của hộ gia đình cũng đều đầu tư các loại máy bào, máy soi, máy vanh… để hỗ trợ sản xuất, vừa giảm công lao động nặng nhọc, vừa đảm bảo tính chính xác, độ sắc nét chi tiết và tăng năng suất lao động. Tiêu biểu như hộ ông Trần Duy Huân, xóm Đông, tổ dân phố Mỹ Côi đầu tư máy đục hơi chuyên lắp ráp các loại bàn ghế giả cổ, đảm bảo việc làm cho thợ với thu nhập cao bình quân từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Tại cơ sở của ông Trần Bá Thắng, xóm Quán, tổ dân phố Mỹ Côi chuyên sản xuất các sản phẩm đồ thờ, thợ chính cũng có thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế của Thị trấn Gôi đã chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 25%; tỷ trọng sản xuất CN-TTCN và thương mại - dịch vụ tăng lên 75%. Thời gian tới Thị trấn Gôi tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN và ngành nghề phù hợp quy hoạch chung và thực tế ở địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh về mặt bằng, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án mới mở rộng sản xuất. Thị trấn phấn đấu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8-10%; đến năm 2020 được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Trung