Công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp tỉnh ta được thực hiện từ đầu năm 2011, tuy nhiên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (QSDĐNN) sau DĐĐT lại không đảm bảo kịp thời theo chỉ đạo của tỉnh. Năm 2015 tỉnh giao chỉ tiêu cấp 212.500 giấy nhưng không đạt; năm 2016 tỉnh giao cấp 200 nghìn giấy, năm 2017 tỉnh giao cấp 129 nghìn giấy cũng đều không đạt chỉ tiêu. Năm 2018, các huyện, thành phố đặt kế hoạch cấp 106.267 giấy nhưng số liệu thống kê ước hết năm toàn tỉnh mới cấp được 74.386 giấy, chỉ đạt 70% chỉ tiêu đề ra.
Cán bộ xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) rà soát quy hoạch sử dụng đất. |
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐNN sau DĐĐT, ngày 27-4-2015, Sở TN và MT đã ban hành Hướng dẫn số 899/HD-STNMT về chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ dữ liệu địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐNN, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp sau DĐĐT trên toàn tỉnh. Đến cuối năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND các huyện thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc, phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo để chủ động chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; hằng tuần kiểm điểm tiến độ thực hiện. Trước tình hình khó khăn về tài chính của các địa phương, UBND tỉnh còn chỉ đạo các huyện phải dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT… Tuy nhiên, tiến độ thực hiện ở tất cả các huyện đều chậm; trong đó chậm nhất là các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc. Đặc biệt, huyện Vụ Bản, trong 3 năm gần đây mới cấp được 936 giấy chứng nhận QSDĐNN sau DĐĐT.
Theo Sở TN và MT, nguyên nhân dẫn đến vướng mắc, chậm tiến độ trong cấp giấy chứng nhận QSDĐNN sau DĐĐT do các địa phương chưa nghiêm túc thực hiện quy định dành 10% kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau DĐĐT. Chất lượng hồ sơ DĐĐT đã lập trước kia của các địa phương rất kém, không đầy đủ, đồng bộ; do chất lượng đồng đất không đồng đều nên sau khi dồn đổi, ở một số xã số thửa trên hộ vẫn còn khá cao. Hầu hết bản đồ địa chính của nhiều địa phương đều lập từ năm 1980, đến nay đã quá cũ nát, không thể chỉnh lý được nên các xã, thị trấn đều tập trung đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính mới. Công tác này mất nhiều thời gian thực hiện các quy trình quy định như công khai đến hộ dân để lấy ý kiến của dân, thu lại hồ sơ... Trong quá trình khảo sát đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính tại các địa phương còn phát sinh tình huống một số diện tích chia, đổi chưa chính xác, số liệu sai lệch với kết quả đo đạc thực tế khi lập hồ sơ địa chính mới. Vì vậy, các địa phương phải tiến hành thêm bước xử lý phần đất dôi dư để quản lý theo các phương án toàn bộ diện tích thừa ra được bổ sung vào quỹ đất công ích; trường hợp diện tích quá nhỏ thì xử lý theo phương án sai số. Tuy nhiên một số hộ dân không đồng thuận với phương án hợp thức hóa quản lý phần đất dôi dư dẫn đến kéo dài thời gian.
Việc chậm tiến độ trong cấp giấy chứng nhận QSDĐNN sau DĐĐT của các địa phương đang gây ra các hệ quả kinh tế - xã hội tiêu cực, gây bức xúc cho người dân. Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải xác định việc cấp giấy chứng nhận QSDĐNN sau DĐĐT là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung gỡ khó, phấn đấu hoàn thành công tác này trên toàn tỉnh trong năm 2019. Yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo UBND 69 xã vẫn còn sử dụng bản đồ địa chính lập bằng phương pháp thủ công từ năm 1980 (Mỹ Lộc 1 xã, Vụ Bản 13 xã, Ý Yên 19 xã, Nghĩa Hưng 21 xã, Xuân Trường 6 xã, Giao Thủy 9 xã) cân đối nguồn lực tài chính, khẩn trương triển khai đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính; bảo đảm tất cả các xã, phường trên toàn tỉnh sử dụng bản đồ địa chính được đo đạc chính quy trong quản lý đất đai. Trong quá trình tổ chức thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐNN sau DĐĐT phải thận trọng, chính xác, hạn chế thấp nhất sai sót dẫn tới phát sinh khiếu nại, thắc mắc của người dân. Trường hợp phương án DĐĐT thực sự phù hợp, khách quan, đảm bảo công bằng, được đại đa số nhân dân đồng tình nhất trí thì tích cực tổ chức tuyên truyền và vận động để người dân hiểu và chấp hành theo phương án đã được thông qua từ cơ sở và được UBND xã phê duyệt. Trường hợp có biểu hiện làm sai hoặc vụ lợi thì phải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và lập phương án sửa chữa, khắc phục trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo thực hiện đúng Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở và đúng hướng dẫn về công tác DĐĐT; kiểm điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Sở TN và MT có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát các huyện thực hiện kế hoạch cấp giấy chứng nhận QSDĐNN sau DĐĐT và hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu các huyện./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy