Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật

07:12, 03/12/2018

Thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là biện pháp quan trọng ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên việc thực hiện công tác này tại tỉnh ta hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Nam Trực kiểm dịch gà giống tại Cty CP Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Nam Trực kiểm dịch gà giống tại Cty CP Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng.

Trong công tác tổ chức kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất ra khỏi địa bàn tỉnh, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố được Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) ủy quyền là kiểm dịch viên thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ các huyện, thành phố ra các tỉnh ngoài. Các trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật có trách nhiệm đăng ký với cán bộ kiểm dịch về ngày, giờ xuất phát để thực hiện kiểm tra trên cơ sở tờ khai đăng ký thời gian. Nếu động vật khỏe mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y thì cán bộ kiểm dịch sẽ niêm phong số sản phẩm đó và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng nơi động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển đến. Những năm qua, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở tỉnh ta đã cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật, góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan và thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Trong năm 2018, các cơ quan thú y đã cấp 6.034 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cho 158.500 con lợn, 2.882.900 con gia cầm giống, 1.281.600 con gia cầm thịt và 6.110 tấn sản phẩm động vật. Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn. Theo đồng chí Mai Văn Quang, Chi cục phó Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thực tế số đã được cấp ở trên mới chỉ chiếm khoảng 50-60% số lượng động vật, sản phẩm động vật của tỉnh xuất đi. Nguyên nhân do ý thức chấp hành Luật Thú y và các quy định về kiểm dịch của người sản xuất, kinh doanh trong chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật còn khá hạn chế, nhiều người cố tình trốn tránh việc kiểm dịch. Trong khi đó phía các cơ sở nhập động vật, sản phẩm động vật cũng không kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật nhập vào. 

Về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh cũng mới được thực hiện với số lượng rất hạn chế do nhiều chủ cơ sở nhập không thực hiện khai báo với cơ quan Thú y theo quy định. Việc trao đổi thông tin về vận chuyển động vật và sản phẩm động vật giữa các tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục. Sự phối hợp giữa các cơ quan Thú y, Công an, Quản lý thị trường chưa thường xuyên trong việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Về phía các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cũng gặp những khó khăn nhất định. Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trực Ninh cho biết: Lực lượng kiểm dịch của huyện mỏng trong khi địa bàn rộng, có nhiều trục đường giao thông ra, vào huyện và toàn huyện có gần 10 bến đò ngang nên gặp không ít khó khăn cho công tác kiểm dịch vận chuyển động vật. Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán của người dân còn nhiều nên mỗi chuyến xe thương lái phải thu gom từ nhiều hộ chăn nuôi làm cho công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật của hộ nông dân cũng chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tới các đối tượng liên quan và cộng đồng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác này còn ít. Do vậy, chưa phát huy được vai trò giám sát cộng đồng đối với hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. “Ngoài ra, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm còn khó khăn do Luật Thú y quy định chỉ vận chuyển ra ngoài địa bàn tỉnh mới phải kiểm dịch. Đây là kẽ hở dễ bị lách luật để tránh kiểm dịch vì khi cán bộ thú y biết có việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đến kiểm tra, kiểm dịch thì đối tượng lại chống chế, khai báo là chỉ vận chuyển đến các điểm trong tỉnh. Ví dụ họ vận chuyển sang tỉnh Ninh Bình nhưng lại khai báo chỉ là vận chuyển đến huyện Ý Yên, mà các cán bộ kiểm tra không thể đi theo xe để kiểm soát được?!”, ông Đăng cho biết thêm. Hay theo anh Nguyễn Bá Phước, nhân viên phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nam Trực cho biết: các hộ kinh doanh và cơ sở sản xuất giống trên địa bàn yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm dịch liên tục kể cả vào thứ 7 và Chủ nhật, bất kể buổi trưa, buổi tối muộn mà không theo quy trình thủ tục hành chính đã quy định của Nhà nước. Đối tượng động vật và sản phẩm động vật có khi là gia cầm non 1 ngày tuổi hoặc bì tươi cấp đông… yêu cầu phải vận chuyển nhanh và ngay trong ngày sau khi niêm phong kẹp chì, vì vậy nhân viên kiểm dịch rất vất vả, phải sắp xếp thời gian linh hoạt đảm bảo kịp thời, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các các cơ sở, doanh nghiệp. Địa bàn hoạt động rộng, phải di chuyển thường xuyên vào buổi tối đòi hỏi kiểm dịch viên phải có sức khoẻ và sự nhiệt tình, tâm huyết có tinh thần trách nhiệm cao phục vụ nhân dân là trên hết. Về phương tiện kỹ thuật, kiểm dịch viên cũng chưa được trang bị các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ trong đánh giá, kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm. Quá trình kiểm tra vẫn chủ yếu là bằng cảm quan, đánh giá chất lượng sản phẩm thông qua màu sắc, mùi theo kinh nghiệm chuyên môn.

Để phòng ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam và địa bàn tỉnh; từng bước khắc phục những tồn tại kể trên, ngày 1-10-2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập Đội kiểm dịch lưu động có trách nhiệm phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố kiểm tra thủ tục hành chính, nguồn gốc, lâm sàng và giám sát quá trình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng, bao gói động vật, sản phẩm động vật; nơi thu gom, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán con giống. Để thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, ngăn ngừa các loại dịch bệnh lây lan, giúp chăn nuôi phát triển ổn định, các cấp, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tăng cường hoạt động của Đội kiểm dịch lưu động; xử lý nghiêm các cơ sở nhập động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Thú y, Công an, Quản lý thị trường trong việc kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các tỉnh về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất và nhập trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



xe nâng điện đứng lái 1.5 tấn chính hãng HangchaĐồ ăn chó Thức ăn Ganador

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com