Xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) có 1.335 hội viên nông dân, chiếm 93,6% số hộ nông nghiệp. Những năm qua, cán bộ và hội viên nông dân trong xã đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu bền vững” đã thu hút nhiều hội viên tham gia.
Cơ sở kinh doanh chế biến thóc gạo của ông Bùi Xuân Hinh, xóm 8, xã Nghĩa Tân tạo việc làm cho hơn 20 lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. |
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, hội viên nông dân xã Nghĩa Tân không ngừng học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng 2 vụ lúa và 1 vụ đông nhằm nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, hội viên nông dân trong xã còn đẩy mạnh chăn nuôi theo mô hình gia trại, mô hình ruộng - vườn - ao - chuồng cho thu nhập ổn định. Phong trào được phát triển đều khắp đến các chi hội, điển hình là các chi hội: 1, 2, 3, 4, 6. Hội viên nông dân trong toàn xã đã đăng ký thực hiện các phong trào thi đua của Hội, tích cực tìm hiểu, tiếp cận những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, điển hình như mô hình kết hợp trồng lúa và chăn nuôi của hộ ông Vũ Văn Mạnh, chi 2, nuôi 10 con bò và 20 lợn nái ngoại, mỗi năm xuất bán gần 200 con lợn giống; hộ ông Vũ Đình Hậu, chi 3 chuyên về chăn nuôi vịt siêu trứng, mỗi năm xuất bán hàng nghìn quả trứng vịt, thu lợi nhuận cao. Hay hộ các ông: Trần Văn Tam chi 1; Nguyễn Văn Bao, chi 3; Nguyễn Văn Riễm, chi 4 với mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và nuôi cá nước ngọt đạt hiệu quả kinh tế cao… Nhiều điển hình trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, phát triển ngành nghề, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập cho nhiều lao động địa phương như cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đức Trọng; cơ sở kinh doanh chế biến thóc gạo Bùi Xuân Hinh chi 8; xưởng mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Tưởng, chi 5; bà Nguyễn Thị Bẩy, chi 2 đã đầu tư mua máy cày bừa, máy gặt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt nghề đan các sản phẩm từ cói ngày càng phát triển, nhân rộng trong toàn xã cho thu nhập ổn định từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ địa thế của xã nằm trên trục tỉnh lộ 490C, thuận tiện lưu thông buôn bán hàng hóa, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân phát triển kinh doanh, sản xuất, mang lại thu nhập khá. Hằng năm, toàn xã có 520-530 gia đình hội viên đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả trong 5 năm 2013-2018 xã đã có 2.360 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương 35 hộ, cấp tỉnh 235 hộ, cấp huyện 330 hộ, cấp xã 1.760 hộ. Nhiều hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương liên tục trong 5 năm như ông Vũ Đức Trọng, chi 1, ông Trần Văn Hiển, ông Vũ Đình Khánh, chi 7, ông Bùi Xuân Hinh, chi 8… Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên giúp nhau giảm nghèo bền vững bằng nhiều hình thức. Hằng năm, Hội Nông dân xã phát động mỗi chi hội giúp từ 1 đến 2 hộ vươn lên thoát nghèo. 5 năm qua đã có 296 hộ nghèo được giúp đỡ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất và đã có 30 hộ thoát nghèo. Trong đó, Hội đã vận động con em quê hương là những doanh nhân thành đạt tặng quà các cụ già từ 80 tuổi trở lên và hộ nông dân nghèo; hỗ trợ các đối tượng tàn tật, gia đình khó khăn với tổng trị giá 1 tỷ 850 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân xã đã vận động để ủng hộ xây dựng quỹ “Nâng cấp nhà ở cho cán bộ, hội viên nông dân nghèo”; tham gia xây dựng quỹ khuyến học từ huyện đến xã, động viên khen thưởng các cháu học sinh chăm ngoan học giỏi; tặng 1 xe đạp cho con em hộ nghèo vượt khó học giỏi. Hội Nông dân xã còn vận động cán bộ và hội viên ủng hộ chương trình xây dựng “Quỹ hạt thóc vàng” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Các hoạt động của hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến nay chỉ còn 1,8% theo tiêu chí mới, giảm 10% so với năm 2013.
Cùng với đó, Hội Nông dân xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mở rộng việc làm, tăng thu nhập. Hội đã đứng ra tín chấp cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, dư nợ từ các nguồn vốn đạt 35 tỷ 737 triệu đồng với 673 hộ vay. Ngoài ra, Hội còn xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt mức 25,3 triệu đồng, tạo điều kiện cho 3 hộ vay để chăn nuôi lợn, nuôi thủy sản nước ngọt. Các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn. Hội còn đứng ra nhận tín chấp cho hội viên được mua phân bón trả chậm từ chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Công ty Phân bón Thăng Long, bình quân mỗi năm 50 tấn; đồng thời tư vấn hướng dẫn phòng chống bệnh cho gia súc gia cầm, tạo điều kiện cho hội viên nghèo có vốn và có kiến thức đầu tư chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Trung bình số tiền đầu tư trả chậm cho các đàn gia súc, gia cầm, thủy sản lên tới trên 2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó Hội Nông dân xã còn phối hợp với Hội Nông dân huyện, Ban Nông nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức 48 buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới cho hội viên; phổ biến kiến thức gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ lúa, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thu hút trên 3.400 lượt hội viên tham gia. Trong hoạt động dạy nghề cho hội viên nông dân, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề công lập huyện, Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức mở 6 lớp, gồm các nghề như: đan hàng cói xuất khẩu, may công nghiệp, nghề chăn nuôi cho 210 lao động. Sau khi học nghề 90% tổng số học viên đã có việc làm thường xuyên tăng thu nhập trong lúc nông nhàn.
Với những kết quả đạt được, Hội Nông dân xã Nghĩa Tân đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh khen thưởng về phong trào thi đua tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn