Nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp xây dựng

07:12, 24/12/2018

Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng bao gồm giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng; giám định chất lượng vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng, thiết bị, bộ phận công trình, công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng. Trong các nhiệm vụ này, giám định sự cố công trình là một trong những công việc phức tạp nhất. 

Chi cục Giám định Xây dựng (Sở Xây dựng) đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm xây dựng phục vụ công tác giám định tư pháp.  Bài và ảnh: Đức Toàn
Chi cục Giám định Xây dựng (Sở Xây dựng) đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm xây dựng phục vụ công tác giám định tư pháp.

Thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp xây dựng trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Thể chế giám định tư pháp xây dựng về cơ bản đã được hoàn thiện thông qua việc ban hành các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể; các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện tạo thuận lợi cho công tác thực thi. Nhân lực thực hiện công tác giám định tư pháp xây dựng đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu thực tế. Các vụ việc giám định cơ bản đã được giải quyết, đáp ứng kịp thời các yêu cầu hoạt động tố tụng. Năm 2018, Chi cục Giám định Xây dựng (Sở Xây dựng) đã tiến hành giám định tư pháp 5 vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tố tụng và của người yêu cầu giám định. Hầu hết các vụ việc đều liên quan đến tranh chấp đất đai, nhà cửa, công trình. Cụ thể như vụ tranh chấp, huỷ hoại tài sản xảy ra ngày 4-7-2016 liên quan đến 2 gia đình ông Nguyễn Văn Quynh và Nguyễn Xuân Điền tại xóm Bắc Đường, xã Trực Phú (Trực Ninh). Trong khi chưa thống nhất được phần đất phải trả lại, ông Quynh đã thuê máy xúc phá rỡ toàn bộ căn nhà ông Điền xây trên phần đất nhà ông Quynh. Việc giám định tư pháp xây dựng để đánh giá giá trị tài sản bị hủy hoại lập căn cứ pháp lý phục vụ việc giải quyết bồi thường. Chi cục cũng tiến hành giám định thiệt hại đối với công trình nhà ở của bà Nguyễn Thị Nhật tại xóm 9, thôn Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) bị sụt lún, nứt hư hỏng toàn bộ nhà ở do gia đình anh Nguyễn Văn Sơn xây dựng nhà. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh giám định khối lượng, giá trị khối lượng đã thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các hạng mục công trình: đường Cồn Ba, trường tiểu học khu B, xây dựng bãi xử lý rác tập trung tại xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ) nhằm hỗ trợ yêu cầu điều tra. Qua công tác giám định xây dựng, nhiều vụ việc có kết luận rõ ràng, chính xác đã hỗ trợ đắc lực cơ quan tố tụng giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý, đảm bảo tuân thủ theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động giám định tư pháp xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế như: công tác thanh toán giám định tư pháp chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu về việc giám định; một số địa phương vẫn chưa quan tâm, chủ động đôn đốc, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng trên địa bàn đăng ký hoạt động giám định tư pháp xây dựng. Đặc thù của hoạt động xây dựng là đa ngành, nhiều đối tượng tham gia, sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật phức tạp, phạm vi sản xuất trải rộng, thời gian thi công dài, nguồn vốn đầu tư xây dựng lớn… làm cho hoạt động giám định xây dựng khi có trưng cầu trở nên phức tạp, khó khăn. Công tác quản lý trật tự xây dựng, nhất là việc cấp phép xây dựng nhà ở tư nhân còn hạn chế cũng gây khó khăn cho công tác giám định. Nhiều công trình phải giám định trong các vụ tranh chấp về đất đai, sự cố công trình xây dựng của hộ dân không có hồ sơ thiết kế, quản lý chất lượng. Đặc biệt, đối với việc giám định công trình xảy ra tranh chấp thì cơ quan giám định bị cản trở tiếp cận để giám định sự cố dẫn đến thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ việc. Các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ bản còn thiếu, nhiều tiêu chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hoạt động xây dựng nói chung và hoạt động giám định tư pháp xây dựng nói riêng. Ngoài ra, hiện chưa quy định cụ thể tổ chức hay trường hợp nào được quyền từ chối giám định; cơ chế khuyến khích, thu hút cá nhân, tổ chức tham gia “xã hội hoá” giám định tư pháp chưa rõ ràng; không ít tổ chức, cá nhân từ chối, né tránh thực hiện giám định do ngại va chạm, thời gian kéo dài và thanh toán chi phí chậm… Công tác thẩm định, phê duyệt dự toán và thanh toán chi phí giám định chậm, thiếu kinh phí để thanh toán đã ảnh hưởng lớn đến quá trình giám định tư pháp xây dựng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp xây dựng trong năm 2019, ngành Xây dựng tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng. Chú trọng tập huấn bồi dưỡng kiến thức về công tác lập dự toán, thẩm định, phê duyệt, thanh toán, quyết toán; trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán bảo đảm thuận tiện, kịp thời. Kiến nghị đề xuất các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác giám định tư pháp nhằm huy động tối đa các chuyên gia giỏi trong các ngành, lĩnh vực xây dựng… Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác giám định tư pháp về xây dựng, có cơ chế phù hợp đối với các giám định viên tư pháp./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com