Nhằm từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, từ nhiều năm nay, tỉnh và các huyện, thành phố đã ưu tiên phân bổ ngân sách và các nguồn hỗ trợ để đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế có công trình bảo vệ môi trường được đầu tư xây dựng nhưng sử dụng chưa hiệu quả.
Khu lò đốt xử lý rác thải của xã Nam Cường (Nam Trực) đã trồng cây xanh xung quanh theo quy chuẩn kỹ thuật. |
Công trình trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp Yên Xá (Ý Yên) đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư hoàn thiện nhưng đến nay công trình này vẫn chưa được các địa phương đưa vào sử dụng vì không huy động đủ nguồn kinh phí để duy trì hoạt động vận hành. Hay một số lò đốt rác thải sinh hoạt của xã, thị trấn được đầu tư lắp đặt nhưng chưa đạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Theo kết quả khảo sát thực tế của ngành Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các chỉ tiêu lò đốt rác chưa đạt chuẩn: kích thước lò nhỏ, chiều cao ống khói, kết cấu và nhiệt độ của buồng đốt đều sai, không thiết kế áp suất âm, không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi. Do vậy các lò này xử lý rác không triệt để và gây ô nhiễm thứ cấp, tồn dư kim loại nặng trong tro thải, phát sinh các chất dioxin, furan... Bên cạnh bất cập của hệ thống thiết bị, trong quá trình hoạt động các đơn vị trực tiếp quản lý vận hành lò đốt rác cũng chưa tuân thủ nghiêm hướng dẫn, không phân loại rác, đưa cả rác còn quá ẩm vào đốt nên lượng khói thải nhiều, có những thông số kỹ thuật vượt mức quy định. Ngày 18-12-2011, Chính phủ đã có Quyết định số 2406/QĐ-TTg phê duyệt làng nghề Bình Yên xã Nam Thanh (Nam Trực) nằm trong danh sách làng nghề được hỗ trợ vốn để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015 và phê duyệt thực hiện dự án “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định”, giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư. Cuối tháng 5-2014, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho dự án là 88 tỷ 939 triệu đồng. Mục tiêu chung của dự án nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của làng nghề do nguồn nước thải và khí thải; kiểm soát ô nhiễm, xây dựng và thực thi quy chế, chính sách quản lý môi trường làng nghề theo hướng cân bằng lợi ích môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án đã hoàn thành các hạng mục gồm: gói thầu tư vấn; rà phá bom mìn; xây dựng và lắp đặt trạm thiết bị biến áp điện; trạm trung chuyển chất thải nguy hại, trạm xử lý nước thải và các hạng mục phụ trợ; xử lý tro, xỉ thải tồn dư bùn và đất kênh mương bị ô nhiễm; xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nạo vét kênh mương. Chủ đầu tư đã 2 lần tổ chức bàn giao chính thức công trình cho xã đưa vào quản lý, vận hành, khai thác nhưng đến nay trạm xử lý nước thải tập trung của làng nghề Bình Yên chưa vận hành do xã chưa tổ chức thu phí được của người dân để xử lý nước thải, công trình đang tạm thời ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, một số hạng mục công trình không phù hợp với điều kiện thực tế như: hạng mục xây dựng bể lắng lọc, hệ thống xử lý khí thải tại hộ gia đình, hệ thống thu gom nước thải không được tách riêng; thiếu mô hình tổ chức quản lý, cơ chế quản lý phối hợp đối với việc thu gom xử lý chất thải rắn và vận hành nhà máy xử lý nước thải; số hộ tham gia sản xuất trong làng nghề đã tăng 2 lần so với thời điểm đề xuất dự án dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân.
Để không lãng phí đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tự nguyện thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và sử dụng đúng mục đích các dự án đầu tư. Các công trình chưa khai thác sử dụng sau khi hoàn chỉnh đầu tư, cần khẩn trương rà soát, tính toán phương án, chuyển đổi kế hoạch sử dụng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời tiến hành xử phạt cá nhân, đơn vị sai phạm. Đặc biệt, cần tránh đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư vào các công trình bảo vệ môi trường bảo đảm mọi tiêu chí: thiết bị hiện đại, nhân lực điều hành chất lượng cao và huy động đủ nguồn kinh phí duy trì hoạt động của công trình, nhất là trong giai đoạn đầu còn khó khăn trong việc thu phí để vận hành. Đối với nhóm công trình lò đốt rác thải sinh hoạt nhỏ, trong khi chưa đủ điều kiện để nâng cấp, thay mới, các địa phương phải cấp thiết nâng cao năng lực nhân sự quản lý, xử lý rác thải và tổ chức lại mô hình quản lý rác thải cấp xã, bảo đảm lực lượng này nắm vững những kiến thức cơ bản về thành phần rác thải, cách phân loại, tái sử dụng, tái chế và quản lý chất thải một cách bền vững. Yêu cầu lực lượng vận hành lò đốt phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật: phân loại rác thải trước khi đưa vào lò đốt, không đốt rác khi độ ẩm quá cao; không cho rác quá nhiều vào cửa lò; phải duy trì nhiệt độ cao trong buồng đốt thứ cấp; kiểm soát và cung cấp oxy trong quá trình cháy bằng việc đóng mở đều các cửa cấp gió bên dưới hoặc bên trên thân lò. Đồng thời, phải khẩn trương trồng cây xanh tạo vành đai có chiều rộng khoảng 5-10m quanh khu xử lý rác nhằm giảm tối đa bụi rác bay và phát tán mùi ra môi trường. Về lâu dài, các địa phương phải khẩn trương rà soát thực trạng hoạt động của các lò đốt rác thải sinh hoạt đã đầu tư trên địa bàn, từ đó có lộ trình cụ thể tiến hành cải tạo, nâng cấp các lò đốt cũ đạt quy chuẩn quốc gia về lò đốt rác thải sinh hoạt. Khi đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt mới, các địa phương phải bám sát quy chuẩn QCVN 61-MT:2016/BTNMT để sàng lọc, thẩm định các dự án đầu tư. Để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề cơ khí Bình Yên, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Nam Trực phối hợp với UBND xã Nam Thanh, thôn Bình Yên và đại diện các hộ dân trong làng nghề xây dựng đề án khắc phục các bất cập đang tồn tại. Trong đó, nêu rõ hiện trạng sản xuất và tình trạng ô nhiễm môi trường của thôn Bình Yên, phải xác định cụ thể trách nhiệm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trước hết thuộc về các hộ sản xuất và chính quyền cấp xã, cấp huyện. Đồng thời phải phân công rõ trách nhiệm của người dân, đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống xử lý môi trường, UBND xã và các tổ chức chính trị - xã hộ để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ của Đề án và việc phân công trách nhiệm, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp khắc phục để đến hết quý I-2019 cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn Bình Yên. Từ quý II-2019 tập trung các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý môi trường tại làng nghề Bình Yên. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các hạng mục của dự án; lập phương án bàn giao các hạng mục công trình của dự án cho huyện Nam Trực quản lý, vận hành theo quy định; tham mưu cơ chế hỗ trợ ban đầu cho công tác quản lý, vận hành hệ thống xử lý môi trường tại làng nghề Bình Yên./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy