Xã Hải Xuân trở thành điểm sáng của huyện Hải Hậu trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với nhiều mô hình mang hàm lượng khoa học kỹ thuật cao ở cả 3 lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là động lực quan trọng để Hải Xuân đạt tổng giá trị thu nhập gần 400 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng/năm, bình quân thu nhập 1ha đất canh tác của xã đạt 150 triệu đồng/năm.
Chăm sóc na trái vụ tại trang trại của gia đình ông Bùi Hồng Cừu, xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân. |
Xã Hải Xuân có cơ cấu kinh tế tương đối đồng đều ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài lúa gạo, rau màu, những năm gần đây, nông sản nổi tiếng của Hải Xuân thu hút người tiêu dùng các tỉnh lân cận là hoa, cây cảnh, thủy hải sản nuôi trồng và khai thác, trứng gà, tỏi đen. Sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu là lưới vó, bản lề thông minh, tời kéo lưới dùng cho nghề đánh bắt cá trên biển và các loại thiết bị tàu cá… Trong đó sản phẩm tỏi đen Thái Thịnh, trứng gà sạch Công Phượng đã được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, phát triển thị trường; sản phẩm bản lề thông minh mang nhãn hiệu OSUMY của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Việt Nhật được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nét đặc trưng của những sản phẩm này mang đậm dấu ấn sáng tạo và liên tục cải tiến cho phù hợp với thực tế lao động sản xuất. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, người dân Hải Xuân đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo cách nuôi mới các đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, cá quả để đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy tôm thẻ chân trắng phát triển thuận lợi nhất trong môi trường nước mặn, lợ nhưng diện tích ao đầm nước mặn lợ không còn nhiều nên các hộ dân ở Hải Xuân học cách thuần hóa, nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt từ các chuyên gia; kết hợp kinh nghiệm ở những địa phương khác để tự đúc rút phương thức kỹ thuật chăm sóc phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Theo đó, người nuôi tôm thẻ chân trắng chú trọng ngay từ khâu chọn con giống đã được thuần hóa, sinh sản trong môi trường nước ngọt; trong quá trình chăm sóc chủ động bổ sung đầy đủ, đúng cách các khoáng chất cần thiết để tôm có thể lột vỏ và sử dụng thảo dược (tỏi, lá trầu không, cây mật gấu, cây chó đẻ) để chữa trị, phòng bệnh cho tôm mà không sử dụng kháng sinh. Cách làm này đã hạn chế được nhiều căn bệnh thường gặp trong nuôi tôm nước ngọt, giúp địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng trước đây chỉ giữ an toàn dịch bệnh cho tôm 1-2 vụ đầu nuôi trong ao nước ngọt. Nhờ đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt của xã liên tục tăng cao qua các năm. Đối với cá quả hoa, trước kia mỗi khi thay đổi thời tiết cá thường giảm khả năng bắt mồi, nhảy phóng ra ngoài gây thất thoát làm giảm năng suất, người nuôi tốn thêm chi phí mua lưới quây quanh ao. Các hộ nuôi cá ở Hải Xuân hướng dẫn nhau xây bể, làm mái che để điều chỉnh nhiệt độ ao nuôi giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt. Cách làm này đã giúp tăng sản lượng cá quả từ 10 tấn/năm/hộ lên đến vài chục tấn. Đặc biệt, năm 2018 này, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, xóm Bắc đã thu được 54 tấn cá, tăng gấp 3-4 lần so với trước đây nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi cá quả trong bể kính. Những cách làm sáng tạo này đã giúp người dân Hải Xuân mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 300 tấn tôm, cá các loại. Ngoài nuôi thủy sản, nghề trồng hoa mới chỉ xuất hiện ở xã Hải Xuân khoảng mười năm trở lại đây nhưng do chịu khó học hỏi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chất lượng hoa không thua kém sản phẩm của bất kỳ người làm nghề lâu năm nào trong toàn tỉnh. Trong đó, các hộ đã hoàn toàn làm chủ mọi kỹ thuật nhân cấy giống theo phương pháp cho củ giống ngủ đông, trồng hoa tái sinh hay thuần hóa những loại cây không hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như phong lan xứ lạnh, hoa mai vàng Nam Bộ, đại hồng môn… Nhiều hộ gia đình còn đầu tư kho lạnh, nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động với chi phí hàng tỷ đồng để xử lý môi trường, điều chỉnh nhiệt độ cho hoa nở đồng đều, thắm sắc và ra hoa đúng thời điểm thị trường có nhu cầu cao. Đây là điều mà ít có vùng trồng hoa nào trong tỉnh làm được như Hải Xuân.
Đồng chí Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: đạt được thành công trong ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, ngoài chủ trương chung, sự kịp thời động viên khuyến khích và tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, kết nối với các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp thí điểm mô hình trên địa bàn thì phải kể đến tư duy năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của nhân dân trong xã. Đây cũng chính là động lực để Đảng ủy, UBND xã tiếp tục hỗ trợ người dân đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế tư nhân. Xã Hải Xuân cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong triển khai các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để tạo bước đột phá trong sản xuất./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương