Tỉnh ta có bờ biển dài 72km với 4 cửa sông đổ ra biển là cửa Ba Lạt, cửa Hà Lạn, cửa Ninh Cơ, cửa Đáy; có Vườn quốc gia Xuân Thủy là 1 trong 9 vùng đất ngập nước của Việt Nam được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển (RAMSAR) của thế giới. Đó là tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
Ngư dân xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) chuẩn bị ngư cụ để khai thác hải sản. |
Trong những năm qua, kinh tế thuần biển và ven biển đã được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển. UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030 tạo định hướng cụ thể để phát triển ngành thủy sản nói riêng, kinh tế biển nói chung. Theo thống kê, năm 2017, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 138.370 tấn; trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 90.029 tấn; khai thác thủy sản tự nhiên đạt 48.341 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh theo giá hiện hành đạt 6.815,4 tỷ đồng, chiếm 28,18% giá trị toàn ngành Nông nghiệp. Tổng diện tích nuôi thủy sản mặn lợ đạt 6.342ha. Toàn tỉnh có 2.069 tàu khai thác thủy sản, trong đó có 371 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (chiếm 17,9%). Có 1 cảng cá loại I với quy mô 120 tàu/800 CV về bến bốc xếp sản phẩm thủy sản và dịch vụ hậu cần trong cùng thời gian và 2 khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với cảng cá đang xây dựng. Ngoài ra còn có 149 cơ sở dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản tại các huyện ven biển. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển và nhu cầu sản xuất hiện nay nên có một số nội dung cơ bản của Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030 không còn phù hợp. Những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của ngành; phát triển thủy sản còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: năng suất nuôi trồng thủy sản còn thấp, sản xuất giống thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi; cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề nghiệp khai thác chưa cân đối, khai thác thủy sản chủ yếu tập trung ở khu vực ven bờ; kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho thủy sản thấp; nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành thủy sản của tỉnh còn thiếu... Ngành thủy sản của tỉnh cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức liên quan tới những rủi ro về môi trường, thị trường, thiên tai; tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay có nhiều yếu tố tác động, đòi hỏi tỉnh phải chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và phát triển thủy sản bền vững đi đôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định hội nhập sâu với kinh tế thế giới; Khí hậu biến đổi (nhiệt độ tăng, nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu và kéo dài); Chính phủ chủ trương biến những vùng bất lợi trong canh tác nông nghiệp do bị mặn xâm nhập thành lợi thế trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản; đặc biệt là việc Ủy ban châu Âu cảnh báo thẻ vàng đối với hàng thủy sản khai thác của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU.
Từ những thực trạng nêu trên tỉnh đã tập trung rà soát những nội dung, chỉ tiêu của Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030 để xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển ngành thuỷ sản theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sản lượng sản xuất thủy sản đến năm 2025 đạt 179.300 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản: 124.900, khai thác thủy sản: 54.400 tấn), chiếm tỷ trọng từ 25-27% toàn ngành Nông nghiệp. Đến năm 2030, sản lượng sản xuất thủy sản đạt 210.100 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản: 150.700 tấn, khai thác thủy sản: 59.400 tấn), chiếm tỷ trọng từ 27-30% toàn ngành Nông nghiệp. Lĩnh vực thủy sản sẽ đóng góp quan trọng vào cơ cấu chuyển dịch kinh tế của tỉnh, tăng giá trị sản xuất và kinh tế; nâng cao đời sống người dân; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hình thành chuỗi liên kết giữa người nuôi, ngư dân, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào (giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học...), thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm góp phần phát triển thủy sản bền vững.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Quy hoạch, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương thực hiện 5 nhóm giải pháp chung về: cơ chế chính sách, tổ chức sản xuất, hỗ trợ khoa học và khuyến ngư, giải pháp phát triển kinh tế thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển thị trường tiêu thụ để phát triển đồng bộ các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường, chế biến và thương mại thủy sản. Về nuôi trồng thủy sản, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và đồng bộ với hệ thống thủy lợi, có hệ thống cấp nước và thoát nước riêng biệt. Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ở những vùng thế mạnh của tỉnh, đặc biệt ưu tiên phát triển nuôi thủy sản những đối tượng có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, nuôi bán thâm canh, thâm canh. Tiếp tục lựa chọn tôm và ngao là những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thực hành sản xuất tốt VietGAP hoặc tương đương, đảm bảo nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phát triển mô hình sản xuất giống sạch bệnh; xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm... Trong lĩnh vực khai thác tập trung giữ ổn định và giảm dần số lượng tàu thuyền đánh bắt, đặc biệt là vùng ven bờ, đồng thời tăng cường năng lực, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Điều chỉnh cơ cấu nghề theo hướng ưu tiên phát triển các nghề khai thác chọn lọc thân thiện với môi trường; mở rộng ngư trường khai thác xa bờ và khai thác viễn dương trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản, thường xuyên cập nhật thông tin nguồn lợi thủy sản, ngư trường, mùa vụ khai thác một số loài chủ lực để tuyên truyền cho ngư dân. Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển. Phát triển các cơ sở và các ngành nghề chế biến truyền thống, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, ưu tiên đầu tư đổi mới thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến để phát triển chế biến theo chiều sâu, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đáp ứng yêu cầu của thị trường và an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Phát triển sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của thị trường; khuyến khích và định hướng các cơ sở chế biến di chuyển hoặc đầu tư mới tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung