Đến thời điểm này, Nam Định đang trở thành điểm sáng và dẫn đầu toàn quốc về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội toàn tỉnh và khu vực. Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn... Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương còn có vai trò không nhỏ của nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng kịp thời đáp ứng nhu cầu tài chính cho xây dựng nông thôn mới.
Được Agribank Chi nhánh huyện Xuân Trường cho vay vốn, Công ty Cơ khí Đình Mộc đã tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất các loại rau sạch, cung cấp cho các công ty, siêu thị tại các tỉnh phía Bắc. |
Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thì từ năm 2016 đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn huy động của toàn tỉnh đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt gần 7.730 tỷ đồng. Trong đó, vốn tín dụng là hơn 3.231 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng nguồn vốn. Cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các địa phương, nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ trực tiếp cho các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả cao trong việc kích thích huy động các nguồn vốn đối ứng khác như đóng góp của nhân dân tại các địa phương, vốn ngân sách xã, thị trấn để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Là đơn vị tích cực thực hiện chủ trương đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, thời gian qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Nam Định luôn bám sát định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tình hình thực tế tại các địa phương để xây dựng kế hoạch cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, xác định mức đầu tư phù hợp cho các doanh nghiệp, hộ cá thể, đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị trường. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Chi nhánh đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với thời điểm đầu năm; trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 71%... Thực hiện Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 30-7-2014 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định đã tập trung củng cố các tổ vay vốn, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay ở các địa bàn đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều nông dân đã tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình và nhiều lao động ở địa phương... Ngoài hệ thống Agribank, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh bằng nhiều hình thức, sản phẩm tín dụng phù hợp đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn giúp các địa phương tích cực và chủ động hơn trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của toàn tỉnh đạt 18.449 tỷ đồng, tăng 1,15% so với đầu năm 2017. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 145,17 triệu đồng, tăng 15,72 triệu đồng so với năm 2015. Trồng trọt chuyển trọng tâm sản xuất từ coi trọng sản lượng sang chất lượng và hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt hơn 185.623ha. Toàn tỉnh đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ được trên 900ha ruộng đất; xây dựng được 151 cánh đồng lớn sản xuất các loại nông sản hàng hóa tập trung với diện tích 6.500ha; trong đó có 68 cánh đồng liên kết chuỗi giá trị cho hiệu quả cao hơn từ 15-20% so với phương thức sản xuất truyền thống. Các địa phương cũng chuyển đổi được 1.353ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu cho hiệu quả cao gấp 2-5 lần trồng lúa. Chăn nuôi phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện có 313 trang trại chăn nuôi, giá trị sản xuất đạt 487 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 250 triệu đồng/trang trại. Nuôi trồng thủy sản dần chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh, từng bước hình thành các vùng nuôi tập trung với tổng diện tích đạt 17.402ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 138.370 tấn, tăng 13,84% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 12%/năm.
Kết quả trên cho thấy, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân cùng các cấp, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần rút ngắn thời gian chạm “đích” tỉnh nông thôn mới trước thời gian mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra./.
Bài và ảnh: Văn Đại