Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở Giao Thủy

08:12, 14/12/2018

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây nền nông nghiệp ở huyện Giao Thủy từng bước thay đổi căn bản theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng thu nhập cho nông dân.

Trang trại tổng hợp của ông Mai Xuân Láng, xã Giao Hà (Giao Thủy) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Trang trại tổng hợp của ông Mai Xuân Láng, xã Giao Hà (Giao Thủy) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, xã, thị trấn trên cơ sở các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, thủy sản lập kế hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế theo vùng tập trung với quy mô sản xuất phù hợp; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân gắn với thực hiện có hiệu quả các mô hình thí điểm. Trong lĩnh vực trồng trọt, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa… được huyện tích cực tiếp nhận, chỉ đạo khảo nghiệm tuyển chọn, áp dụng. Trong vụ xuân và vụ mùa năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thịnh Thắng, xã Giao Thịnh đã phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương trình diễn sản xuất giống lúa thuần Dự Hương với diện tích 2ha. Kết quả cho thấy, giống lúa Dự Hương phù hợp với cơ cấu sản xuất của địa phương, năng suất thực thu cao hơn giống lúa BT7 từ 8-10 tạ/ha/vụ. Đây là cơ sở giúp huyện Giao Thủy thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng sử dụng các giống chống chịu tốt với sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2018, tỷ lệ gieo cấy lúa chất lượng cao của huyện đạt gần 70% tổng diện tích với các giống: BT7, BT7 kháng bạc lá, BC15, Nếp 97… Toàn huyện đã xây dựng được 15 cánh đồng lớn với diện tích gần 600ha; cơ giới hóa được 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch. Ngoài ra, huyện Giao Thủy còn xây dựng được một số mô hình tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo cho hiệu quả kinh tế khá như: Mô hình tích tụ ruộng đất liên kết giữa Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tiến Châu với Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân sản xuất - tiêu thụ lúa gạo BT7 quy mô 40ha; mô hình của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và phát triển thương mại Đức Phát quy mô 11ha tại xã Giao Hà; mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tường Mai A, xã Giao Nhân với các xã Giao Long, Giao Hải sản xuất - tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao. Việc tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, hình thành các vùng sản xuất lớn, áp dụng thuận lợi tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần đưa năng suất lúa của Giao Thủy bình quân đạt gần 130 tạ/ha/năm, đứng đầu toàn tỉnh. Trên các cánh đồng màu, Giao Thủy tập trung thực hiện tốt quy hoạch các vùng sản xuất; xây dựng cơ cấu cây trồng để chủ động luân canh, xen canh tăng vụ; đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản... nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Vùng trồng màu tập trung ở các xã Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm với công thức luân canh các cây khoai tây, lạc, dưa, ngô, rau các loại; các xã Giao Hà, Hoành Sơn, Giao Nhân… trồng gối lứa các loại rau ngắn ngày cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm. Nhờ khai thác tốt tiềm năng đất nông nghiệp để sản xuất lúa gạo và cây rau màu, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của Giao Thủy hiện đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tập trung của huyện Giao Thủy đang trên đà phát triển. Hiện trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất, 12 trang trại và 200 gia trại chăn nuôi. Tất cả các trang trại và 70% số gia trại chăn nuôi đều nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung. Đối tượng sản xuất của các trang trại chăn nuôi chủ yếu là lợn nái sinh sản, lợn thương phẩm, gà công nghiệp và vịt. Trung bình mỗi trang trại nuôi khoảng 250-350 con lợn thịt, 1.000-2.500 con gà, vịt… Chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và các quy trình biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất của các trang trại cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ. Bình quân, mỗi trang trại chăn nuôi ở Giao Thủy thu lãi 200 triệu đồng/năm; thu nhập trên 1ha đất làm trang trại đạt trên 200 triệu đồng/năm. Việc phát triển mạnh kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi góp phần thúc đẩy chuyển biến kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của nhiều hộ nông dân ở Giao Thủy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Vũ Ngọc Côn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, vẫn còn nhiều trăn trở như vai trò, hoạt động của nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện chưa đủ mạnh để vận động thành viên tham gia tổ chức sản xuất; thực hiện liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ và bền vững. Người nông dân chưa quyết tâm đổi mới sản xuất theo hướng chất lượng, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... bởi giá bán sản phẩm không cao hơn so với các phương thức sản xuất khác, trong khi giá thành sản xuất cao. Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm; tuy nhiên, việc liên kết trong thời gian qua ở Giao Thủy chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, các liên kết còn nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Huyện cũng chưa xây dựng được chuỗi giá trị ngành hàng đặc trưng của địa phương.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới, huyện Giao Thủy tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, các doanh nghiệp và người nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tuyên truyền sâu các nội dung: giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; thúc đẩy liên kết trong sản xuất và xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các vùng sản xuất tập trung để xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê gom, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất quy mô lớn. Tiếp tục áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức; tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực chất lượng cao trên trang thông tin điện tử của huyện, của doanh nghiệp; thường xuyên thông tin, dự báo kịp thời về thị trường nông sản. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm tiếp cận với các địa phương, các trang trại, gia trại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản, thủy sản đặc trưng, chủ lực của huyện như: gạo chất lượng cao, gạo đặc sản, rau sạch, thịt lợn sạch, ngao sạch, tôm thẻ, cá song, cá vược. Triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tích cực. Tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi riêng của huyện để phát huy lợi thế, thế mạnh của từng xã, thị trấn nhằm thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển sản xuất nông sản hàng hóa gắn với nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com