Là một tỉnh thuần nông, hằng năm, diện tích gieo trồng cây lương thực, cây rau màu, cây ăn quả của tỉnh ta khoảng 188,5 nghìn ha. Tuy nhiên sau một thời gian khai thác triệt để đất đai và sử dụng quá nhiều phân hóa học trong quá trình canh tác đã khiến đồng ruộng ngày càng bị thoái hóa khiến năng suất, sản lượng cây trồng kém. Không những thế hệ quả việc lạm dụng phân bón hóa học kích thích cây trồng đã để lại tồn dư trong sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Theo các chuyên gia, biện pháp khắc phục tình trạng đất đai bạc màu để nâng cao chất lượng nông sản hướng đến nền nông nghiệp sạch không thể tách rời việc sản xuất và sử dụng phân hữu cơ để phục hồi, tái tạo chất đất trước khi ứng dụng các công nghệ hiện đại khác. Chính vì vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Cường (Ý Yên). |
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của tỉnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) đã phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ cho nhân dân các xã ngoại thành Nam Định và 6 huyện trên địa bàn. Anh Nguyễn Văn Bộ, đội 11, xã Xuân Hùng (Xuân Trường) cho biết: quy trình xử lý phân bón từ rơm, rạ rất dễ làm, hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trung bình cứ 1 sào rơm, rạ sau khi xử lý cho 300-400kg phân bón, gia đình anh tiết kiệm được 1-1,5kg phân hoá học và năng suất lúa tăng 9-12 kg/sào. Không những thế, còn giảm rõ rệt mức độ gây hại của một số loài sâu bệnh như sâu cuốn lá, đạo ôn... Mô hình này còn đặc biệt thành công ở các xã Giao Thịnh, Giao Tiến (Giao Thủy); Hải Xuân, Hải Triều (Hải Hậu). Sở NN và PTNT thì hỗ trợ xã Yên Cường (Ý Yên) xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh ta với tỉnh Miyazaki. Sau hơn 3 năm triển khai mô hình với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước bạn, nông dân xã Yên Cường đã sản xuất thành công phân bón hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật từ phế, phụ phẩm nông nghiệp với thành phần gồm 70% phân của vật nuôi và 30% phế phẩm cây nông nghiệp. Phân hữu cơ sản xuất tại chỗ được sử dụng ngay từ vụ đông năm 2017 để trồng các loại cây như: cải bó xôi, cải bắp, khoai tây, mùng tơi, rau muống với diện tích khoảng 2.160m2. Kết quả cho thấy, các loại rau trong mô hình sử dụng phân bón hữu cơ có khả năng sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh tốt hơn, năng suất tăng khoảng 10% so với cùng diện tích đối chứng. Năm 2018, xã mở rộng diện tích trồng rau xuất khẩu lên khoảng 5ha. Hiện tại, Sở KH và CN, Sở NN và PTNT đang hướng dẫn UBND xã Yên Cường lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền công nhận bản quyền sở hữu quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất rau hữu cơ an toàn, tạo điều kiện từng bước tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau củ theo chuỗi khép kín.
Hiệu quả thực tế của việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Cường đã được khẳng định, tuy nhiên đến thời điểm này mô hình sản xuất mới này vẫn chưa được nhân rộng. Ngoài những mô hình do các cơ quan chức năng hỗ trợ triển khai thì hầu hết các doanh nghiệp và người dân vẫn sử dụng phân bón vô cơ cho việc trồng cấy. Thậm chí ngay tại địa phương sản xuất phân hữu cơ cũng chỉ sử dụng cho một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây rau màu, còn đối với lúa, kể cả lúa đặc sản, hầu như chưa bón phân hữu cơ. Nguyên nhân là do thói quen tâm lý của người nông dân thích sử dụng phân bón hóa học vì tiện dụng, hiệu quả đối với cây trồng nhanh và chi phí thấp. Trong khi sản xuất phân bón hữu cơ mất nhiều thời gian và nhân công để thu gom, xử lý nguyên liệu và thời gian cho đợi nguyên liệu phân hủy. Thêm nữa phải mua được chế phẩm sinh học tốt và có diện tích vườn, chuồng trại cách xa nơi ăn ở, sinh hoạt của gia đình để tích trữ, xử lý nguyên liệu, tránh ảnh hưởng đến môi trường sống. Đối với người phải mua phân hữu cơ để sử dụng thì giá sản phẩm cũng rẻ hơn phân hóa học không đáng kể. Mặt khác do mới sản xuất nên chất lượng và số lượng sản phẩm phân hữu cơ không đều; ngay cả việc bảo quản, vận chuyển phân hữu cơ cũng phức tạp hơn.
Sử dụng nhiều phân hữu cơ trong trồng trọt là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp sạch. Vì vậy tỉnh ta cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng phân hữu cơ. Trong đó, chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, tổ chức sản xuất, cung ứng phân hữu cơ với sản lượng lớn, giá hấp dẫn nông dân. Có hình thức tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức về yêu cầu tất yếu phải sử dụng phân bón hữu cơ cho phát triển nông nghiệp bền vững để họ tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học và ưu tiên tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương