Với vị trí địa lý trải dọc Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490C, địa bàn huyện Trực Ninh thường được các đối tượng làm ăn phi pháp chọn làm “vùng đệm” để vận chuyển, sản xuất, đóng gói và tiêu thụ các loại hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng đi các huyện phía nam tỉnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó có những khu vực trọng điểm như vùng giáp ranh giữa huyện Trực Ninh với tỉnh Thái Bình và các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Xuân Trường; khu vực Thị trấn Cổ Lễ và các xã xa trung tâm huyện như Liêm Hải, Trực Cường, Trực Hùng…
Cán bộ Quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm bánh kẹo lưu thông trên địa bàn huyện Trực Ninh. |
Nhằm chủ động đấu tranh ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, giữ ổn định thị trường, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Trực Ninh đã tập trung củng cố nhân sự, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ phụ trách địa bàn; tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành, tập huấn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu văn bản pháp luật, diễn biến thị trường để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh hiệu quả với những vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn. Chi cục phân công cán bộ quản lý địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn chủ động bám sát cơ sở, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Đồng thời chủ động công tác phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để tuyên truyền nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiểm tra, kiểm soát thị trường. Nội dung kiểm soát thị trường tập trung quản lý chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu, nhóm hàng hóa kinh doanh có điều kiện như gas, xăng dầu, thuốc tân dược, vật tư nông nghiệp… Chi cục thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất theo diễn biến thị trường ở từng thời điểm; tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người kinh doanh tự giác chấp hành. Đến hết tháng 9-2018, Chi cục đã kiểm tra 218 vụ; xử lý 88 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt và giá trị hàng hóa tịch thu đạt trên 422 triệu đồng, tăng gần 150% so với kế hoạch năm 2018. Các vi phạm được phát hiện chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh hàng giả nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, hàng không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc… Trong đó, riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 50 vụ, xử phạt 21 vụ, phạt tiền gần 65 triệu đồng, trị giá tang vật tịch thu 54 triệu đồng. Điển hình như, ngày 7-2-2018, từ thông tin địa bàn về hoạt động buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng tại hộ kinh doanh ở xã Trực Thắng, Chi cục đã xác minh thông tin, xây dựng phương án và tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tạp hóa của ông Nguyễn Văn Thủy ở xóm 12, phát hiện cửa hàng có bán hàng giả mạo nhãn hiệu, bao bì và quá hạn sử dụng mặt hàng kẹo và mì chính Ajinomoto. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu 21kg kẹo đã hết hạn, 2kg mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto. Ngoài những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm, thời gian qua, lực lượng QLTT huyện Trực Ninh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và thiết bị điện, điện tử. Ngày 7-2-2018, Chi cục tiến hành kiểm tra ô tô tải (biển kiểm soát 18C-06960) đang dừng, bán các loại thiết bị âm thanh do nước ngoài sản xuất tại địa bàn xã Trực Hưng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; qua quá trình xác minh, làm việc khẳng định đây là hàng nhập lậu, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu toàn bộ số thiết bị âm thanh nhập lậu đó. Hay như vụ việc ngày 17-4-2018, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng QLTT huyện phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma tuý (Công an huyện) tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải đầu kéo rơ-moóc (biển kiểm soát đầu kéo 36C-09079, rơ-moóc 36R-00359) phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt đối với Đỗ Văn Trị, sinh năm 1980, ở xã Hoằng Trung, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tịch thu toàn bộ số hàng hóa là các thiết bị trong ngành sản xuất giầy da. Bên cạnh việc tích cực kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT huyện còn hướng dẫn các hộ kinh doanh biện pháp khắc phục cho các cơ sở kinh doanh; đồng thời duy trì hậu kiểm để bảo đảm các vi phạm không tái diễn. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền về tình hình thị trường, cảnh báo về tình trạng làm giả, làm nhái hàng, để người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác, không tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.
Với sự nỗ lực trong việc điều tra, kiểm soát thị trường, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn huyện Trực Ninh từ đầu năm đến nay đã giảm đáng kể, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên để tiếp tục giữ ổn định thị trường trong điều kiện các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi, lực lượng QLTT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng nhân mối và huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại trên địa bàn. Tập trung làm tốt công tác thu thập thông tin, điều tra xác minh đối tượng và các phương tiện có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả để chủ động phát hiện sớm và áp dụng biện pháp răn đe, ngăn chặn kịp thời, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương