Theo báo cáo của Sở KH và ĐT, 9 tháng đầu năm 2018 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho 593 doanh nghiệp và 105 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký là 4.634,8 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số 7.786 doanh nghiệp và 682 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký gần 58,6 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư đạt kết quả khá, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 65 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 1.771,4 tỷ đồng và 18 dự án FDI với tổng số vốn là xấp xỉ 190 triệu USD. Sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh 10 tháng năm 2018 tăng trưởng 12,7%, ước đạt trên 49,8 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ 318,27 triệu USD, tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2017, nhiều khả năng trong tháng 11-2018 kim ngạch xuất khẩu sẽ về đích chỉ tiêu cả năm và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2018 kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1 tỷ 400 triệu USD). Kết quả trên đã phản ánh hiệu quả việc hiện thực hóa quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong đổi mới phương thức điều hành của các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP Nam Tiến, xã Nam Tiến (Nam Trực). |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, trong những tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã có 511 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh; trong đó đã thu hồi đăng ký doanh nghiệp của 62 doanh nghiệp và 12 chi nhánh, văn phòng đại diện. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản trong toàn tỉnh đã tăng thêm 63 doanh nghiệp. Nói về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh phản ánh: mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng nhưng với đặc thù đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cộng đồng doanh nghiệp địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển như: mức đóng góp các loại bảo hiểm và quỹ công đoàn quá cao trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, lợi nhuận thấp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và sự tồn tại của doanh nghiệp; việc vay vốn tại các ngân hàng còn nhiều khó khăn về thủ tục, điều kiện vay; các quy hoạch (sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực) chậm được điều chỉnh theo yêu cầu thực tế; những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng ở một số dự án đầu tư còn chậm được các sở, ngành và các địa phương đốc thúc giải quyết; chi phí không chính thức quá cao; thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn dài; công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương chưa nhuần nhuyễn...
Trước tình hình trên, để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành: KH và ĐT, Công thương, TN và MT, Thuế, Ngân hàng… thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án… UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng định kỳ tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời phổ biến những quy định, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh trong quá trình đầu tư… UBND tỉnh đã ban hành 3 bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai áp dụng cho 3 cấp tỉnh, huyện, xã; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài KCN; ban hành chỉ thị về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính các cấp của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.752 thủ tục hành chính công được cung cấp trực tuyến; trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2 và trên 300 thủ tục đạt mức độ 3. Sở KH và ĐT, Ban quản lý các KCN đã thực hiện hệ thống phần mềm “một cửa” của Bộ KH và ĐT trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tỉnh chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế; thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã giảm từ 1/4 đến 1/3 so với trước, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp... Công tác nâng cao chất lượng quy hoạch được chỉ đạo thực hiện để tăng sức thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong đó đã hoàn thiện quy hoạch phân khu chức năng của đô thị Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Phủ Dầy (Vụ Bản) quy hoạch 4 xã huyện Ý Yên lên đô thị, đã triển khai điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh ngày 21-9-2018). Mới đây nhất, ngày 19-10-2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch của UBND tỉnh đã nêu rõ những giải pháp; giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành để triển khai thực hiện đồng bộ 11 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ về lĩnh vực thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; thông tin thị trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Để tiếp tục tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động ổn định, bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa tỉnh ta bước vào thời kỳ phát triển mới, kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, đời sống nhân dân ngày một nâng lên./.
Bài và ảnh: Thành Trung