Qua 10 năm hoạt động của Ban Nông nghiệp xã

08:11, 12/11/2018

Thực hiện Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15-5-2008 của liên Bộ NN và PTNT và Bộ Nội vụ; Đề án của UBND tỉnh về “Tăng cường quản lý Nhà nước của UBND cấp xã đối với NN và PTNT”, đầu năm 2009, UBND tỉnh đã chỉ đạo mỗi huyện, thành phố chọn 2 xã, thị trấn thí điểm thành lập Ban Nông nghiệp xã (NNX). Đến tháng 1-2010, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban NNX ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban NNX đã phát huy vai trò quản lý Nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) ở cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy việc củng cố, chuyển đổi HTX nông nghiệp cũ hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cho giá trị sản xuất ước đạt 500 triệu đồng/ha/năm.
Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa cho giá trị sản xuất ước đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

Đến nay toàn tỉnh có 211 Ban NNX được thành lập nhằm giúp UBND xã thực hiện 10 nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn theo Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV. Về nhân lực, tổng số có 1.094 nhân viên kỹ thuật nông nghiệp, bao gồm: 209 nhân viên bảo vệ thực vật, 213 nhân viên thú y, 223 nhân viên khuyến nông, 121 nhân viên khuyến ngư và khuyến diêm, 171 nhân viên quản lý đê nhân dân, 157 nhân viên thủy lợi. Các Ban NNX đều do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban.

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các Ban NNX đã tập trung tham mưu cho UBND xã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành sản xuất; chủ động phối hợp với các HTXDVNN xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ, bố trí cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Tham gia tích cực vào chương trình xây dựng NTM, nhất là công tác lập các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa... Các Ban NNX đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, dự tính, dự báo, kịp thời nắm bắt và thông báo tình hình diễn biến sâu bệnh, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền đến các thôn xóm và hộ nông dân. Hướng dẫn các hộ nông dân đảm bảo thực hiện phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thời điểm, đúng kỹ thuật, đúng thuốc, đúng liều lượng; tham mưu cho UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phát triển chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chủ động nắm bắt tình hình chăn nuôi trên địa bàn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi tập trung, vệ sinh chuồng trại đúng quy trình, thông báo lịch và trực tiếp tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện và khống chế kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tai xanh lợn, cúm gia cầm, dịch bệnh thủy sản… không để lây lan ra diện rộng. Hằng năm, Ban NNX phối hợp với Trạm Khuyến nông, các HTX, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân. Nhiều Ban NNX phối hợp với cơ quan Khuyến nông tỉnh, huyện xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nông dân tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Các Ban NNX đã chú trọng tham mưu các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý đê, xây dựng các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; tham gia xử lý các vụ vi phạm đê điều trên địa bàn. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức làm thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy và điều hành tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở… Nhiều Ban NNX hoạt động tích cực, chỉ đạo điều hành tốt sản xuất điển hình như: Hải Tân (Hải Hậu), Trung Thành (Vụ Bản), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Yên Đồng (Ý Yên)…

Ban NNX được thành lập để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về NN và PTNT ở cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp chuyên tâm thực hiện chức năng của đơn vị kinh tế, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo Luật HTX năm 2012; hỗ trợ tốt hơn cho việc phát triển kinh tế hộ. Mặt khác cũng tạo điều kiện để củng cố sàng lọc, duy trì hoạt động của các HTX thực sự đủ năng lực, loại bỏ đơn vị yếu kém. Nhiều HTX đã cùng chính quyền địa phương tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; trích vốn quỹ HTX để hỗ trợ xây dựng NTM, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Đồng thời làm trung gian tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, làm cầu nối giữa chính quyền và người dân. Như vậy, khi có Ban NNX, vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của UBND cấp xã đối với nông nghiệp, nông thôn được nâng cao hơn.

Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, Ban NNX cũng còn một số hạn chế, yếu kém. Nhiều Ban NNX chưa được bố trí đủ số lượng, thành phần các nhân viên kỹ thuật, thiếu Phó Ban; vẫn còn cán bộ chuyên môn chưa qua đào tạo, không có chuyên môn đúng vị trí công tác nên chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Địa phương có tỷ lệ cao nhân viên Ban NNX chưa qua đào tạo là: Ý Yên 25%, Nghĩa Hưng 22% nên năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành của nhiều cán bộ Ban NNX còn hạn chế. Việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiện nay vẫn chủ yếu do các HTXNN thực hiện. Mặt khác về tổ chức, Trưởng Ban NNX do Phó Chủ tịch UBND xã kiêm trong khi Phó Chủ tịch xã công việc nhiều nên thời gian tập trung cho Ban NNX cũng hạn chế. Phụ cấp chi trả cho thành viên trong Ban thấp nên thời gian hoạt động không được thường xuyên, kinh phí hoạt động của Ban NNX còn hạn chế. Ngoài ra, ở một số địa phương, HTXDVNN yếu kém chưa phát huy được vai trò trong thực hiện các dịch vụ điều hành thủy nông nên Ban NNX còn phải làm thay vai trò của HTX. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đối với Ban NNX. Đa số Ban NNX chưa thực hiện đủ, có lúc sai chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn như việc Ban NNX ký hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp, hộ nông dân và tổ chức hoạt động kinh doanh, dịch vụ vật tư nông nghiệp. Về địa điểm làm việc và phương tiện, thiết bị cho hoạt động của đa số Ban NNX còn thiếu; đến nay mới có 76/211 Ban NNX (chiếm 36%) có phòng làm việc riêng; 104/211 Ban NNX (49%) làm việc tại phòng của Trưởng Ban (Phó Chủ tịch UBND xã); 19/211 Ban NNX (9%) làm việc ở hội trường và 12/211 Ban NNX (6%) còn nhờ địa điểm làm việc ở văn phòng HTXNN. Trong khi đó, mức phụ cấp và thu nhập của cán bộ, nhân viên Ban NNX còn thấp và hầu như chưa được điều chỉnh so với thời kỳ đầu mới thành lập. Hầu hết các nhân viên kỹ thuật nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là cán bộ dưới 45 tuổi và chưa được đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy cán bộ, nhân viên Ban NNX chưa thực sự yên tâm công tác. Nhiều Ban NNX thường xuyên biến động về nhân viên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Ban NNX. Đến nay, Nam Định là địa phương thí điểm đầu tiên và duy nhất của cả nước về thành lập và tổ chức hoạt động Ban NNX nên không có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm. Theo đánh giá, phân loại của Sở NN và PTNT, qua 10 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, có 40% số Ban NNX đạt loại khá, 40% trung bình và còn 20% yếu kém.

Để các Ban NNX thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo quy định thời gian tới cần tiếp tục có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với tổ chức và hoạt động của Ban NNX; bổ sung nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tái cơ cấu nông nghiệp. Tiếp tục rà soát, bổ sung cán bộ cho các Ban NNX đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng theo quy định. Định kỳ 6 tháng, hằng năm tổ chức đánh giá, phân loại các Ban NNX dựa trên kết quả thực hiện 10 nhiệm vụ theo Thông tư liên tịch số 61 và nhiệm vụ xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Sở NN và PTNT cũng đề nghị các cấp, ngành và các địa phương tiếp tục duy trì mô hình Ban NNX, đồng thời tăng cường chỉ đạo đổi mới chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban NNX. Tăng mức phụ cấp cho cán bộ, nhân viên không chuyên trách của Ban NNX, đảm bảo ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu của người lao động hiện nay. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhân viên kỹ thuật nông nghiệp không chuyên trách được tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của Luật BHXH năm 2014./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com