Để đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh trong thời điểm cuối năm, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác huy động vốn, nhất là nguồn vốn từ khu vực dân cư, từ đó đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và phát triển kinh tế ở địa phương.
Giao dịch tại Ngân hàng SHB Chi nhánh Nam Định. |
Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, tại thời điểm cuối tháng 10-2018, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 3,3%/năm, tăng 0,41% so với thời điểm cuối tháng 9. Các mức lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng cũng tăng khá mạnh lên 3,39-3,88%/năm. Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại nên các ngân hàng cũng hạn chế vay mượn lẫn nhau ở các kỳ hạn dài. Chính vì vậy lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ và diễn ra đồng đều ở hầu hết các kỳ hạn. Biên độ dao động tăng lãi suất giữa các ngân hàng không có sự chênh lệch lớn mà chủ yếu duy trì ở mức 0,1-0,2%. Lãi suất huy động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định. Trong đó, lãi suất huy động bằng VNĐ đối với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng ở mức tối đa 5,5%; kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng là 5,4-6,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng cao nhất là 7,2%/năm. Cụ thể, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định tăng lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng từ mức 6,4%/năm lên mức 6,8%. Ngân hàng Quân đội Chi nhánh Nam Định áp dụng lãi suất 7,2% cho kỳ hạn 24 tháng. Còn Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định áp dụng biểu lãi suất mới cho tiền gửi các kỳ hạn trên 18 tháng, dao động từ 7-8,2%/năm. Điều đáng ghi nhận là việc tăng lãi suất huy động không trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đây được xem là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành Ngân hàng thời gian qua, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển của các ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng tín dụng. Sự ổn định lãi suất huy động là một trong những yếu tố quan trọng khai thác hiệu quả nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Không chỉ tăng lãi suất huy động, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi nhằm thu hút khách hàng gửi tiền cũng đang được nhiều ngân hàng áp dụng. Là một đơn vị mới hoạt động tại địa bàn tỉnh ta, SHB Chi nhánh Nam Định đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất kèm theo nhiều sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn cho các khách hàng cá nhân mở mới sổ tiết kiệm với tổng giá trị giải thưởng lên đến 2,4 tỷ đồng. Đại diện SHB cho biết: Việc mở rộng quy mô hoạt động song song với việc không ngừng xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đặc thù địa bàn tỉnh Nam Định sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng của SHB… Không chỉ SHB, các ngân hàng thương mại khác cũng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại để thu hút vốn huy động, nhất là tiền gửi tiết kiệm như: chương trình “Tri ân khách hàng tiền gửi” dành cho các khách hàng mở sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng tiền gửi của VPBank; chương trình tiết kiệm dự thưởng dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm bằng VNĐ tại các điểm giao dịch của HDBank; chương trình tiết kiệm dự thưởng mừng xuân của Agribank... Bên cạnh việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động vốn, các ngân hàng đã giao chỉ tiêu huy động vốn đến từng cán bộ, nhân viên; nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng mạng lưới hoạt động; đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế... Đồng thời, phân công cán bộ bám sát khách hàng tiềm năng, vận động gửi tín dụng. Nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các ngân hàng cũng thường xuyên bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ, phong cách phục vụ cho đội ngũ cán bộ tín dụng, giao dịch viên; tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giúp khách hàng làm các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện; đảm bảo an toàn kho quỹ... Các Chi nhánh ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Techcombank, Maritime Bank... đều triển khai dịch vụ tiết kiệm trực tuyến. Theo đó, khách hàng chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến là có thể chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản gửi tiền tiết kiệm trực tuyến để được hưởng mức lãi suất hấp dẫn. Với sản phẩm gửi tiền tiết kiệm trực tuyến, khách hàng có thể chuyển tiền (kể cả VNĐ, USD, EUR) vào tài khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại bất cứ ngân hàng nào. Dịch vụ tiết kiệm trực tuyến sẽ giúp khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian gửi tiền, bảo đảm hoàn thiện thủ tục nhanh chóng, tiện lợi và thực hiện mọi lúc, mọi nơi với những thao tác đơn giản, số tiền gửi tối thiểu tương đối thấp, không phát sinh chi phí… Cùng với các ngân hàng, để huy động hiệu quả nguồn vốn từ dân cư, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động theo mức cho phép, thời gian gần đây hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng trụ sở trang bị các điều kiện làm việc khang trang, sạch đẹp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện. Một lợi thế rất lớn của các Quỹ tín dụng nhân dân là hầu hết đội ngũ cán bộ tín dụng làm việc tại quỹ là người địa phương nên đã có nền tảng tin tưởng cho khách hàng trong quá trình huy động vốn. Mặt khác, ngân hàng Hợp tác Việt Nam Chi nhánh Nam Định thường xuyên tổ chức bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của quỹ tín dụng. Nhờ đó hết tháng 10-2018 tổng nguồn vốn huy động trong dân của hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân toàn tỉnh đạt gần 2.500 tỷ đồng... Tính đến hết tháng 9-2018, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ta đạt 52.879 tỷ đồng, tăng 4.636 tỷ đồng (bằng 9,6%) so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi bằng VNĐ chiếm trên 90% tổng nguồn vốn huy động, vốn huy động từ khu vực dân cư chiếm 80% tổng nguồn vốn huy động.
Bằng các biện pháp tích cực của ngành Ngân hàng, công tác huy động vốn của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đang chuyển dịch đúng hướng, phát triển ổn định và theo đúng chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đó là nền tảng quan trọng đảm bảo tính thanh khoản của các ngân hàng, đồng thời đáp ứng nhu cầu về vốn tín dụng cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới của nền kinh tế./.
Bài và ảnh: Văn Đại