Vụ đông năm nay, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh đối với ngành Nông nghiệp và các địa phương là không đặt nặng mục tiêu diện tích mà chú trọng chất lượng và hiệu quả kinh tế, thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tăng cường sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các hợp đồng liên kết trên địa bàn tỉnh còn quá ít, nông dân vẫn chủ yếu là “tự sản, tự tiêu”.
Nông dân Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chăm sóc cây vụ đông 2018. |
Trong năm 2018, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng được một mô hình mới về thuê gom ruộng đất, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị là Cty TNHH Quang Minh, xã Nghĩa Lợi thuê 10ha ruộng của nông dân xã Nghĩa Minh (thông qua HTXDVNN Thắng Thượng đại diện cho các hộ nông dân) với giá thuê 480 nghìn đồng/sào/năm. Hiện nay, Cty đã quy hoạch thành vùng cánh đồng lớn tập trung, cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới và tổ chức liên kết sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ đông hàng hóa trong năm. Vụ đông năm nay, Cty liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây thương phẩm với một doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Bình. Mô hình bước đầu cho thấy đây là giải pháp khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngoài mô hình mới này, vụ đông năm nay, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục duy trì được mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ngô ngọt giữa xã Nghĩa Thắng và Cty TNHH Thanh An (Ninh Bình) với quy mô 20ha; mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO quy mô 50ha của trên 300 hộ nông dân các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lạc, Nam Điền và Thị trấn Rạng Đông với Cty CP Traphaco. Tuy nhiên, mô hình liên kết, chế biến, tiêu thụ cây đương quy của nông dân hai xã Nghĩa Minh và Hoàng Nam với Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú mặc dù vẫn được duy trì nhưng diện tích đã giảm xuống còn 10ha. Về vấn đề này, đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết: Bên cạnh nguyên nhân do các Cty gặp khó khăn về tài chính thì việc thực hiện hợp đồng liên kết của đôi bên ở các vụ trước cũng chưa đầy đủ. Khi đến vụ thu hoạch, nông dân thường chọn sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp bán ra thị trường với giá cao hơn khiến Cty không thu mua được sản phẩm chất lượng tốt, số lượng cũng không đảm bảo theo hợp đồng. Mặt khác, sự hỗ trợ kỹ thuật của Cty cho người dân còn hạn chế, thanh toán tiền chậm hơn so với hợp đồng đã ký kết. Đây cũng là vấn đề tồn tại chung trong nhiều mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, cây vụ đông nói riêng trong những năm qua. Điều này cho thấy trong liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, HTX để sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông vẫn còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm, chưa tạo được sự tin tưởng của các bên với nhau. Do vậy, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ thúc đẩy kết nối hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp, HTX hoặc các tổ hợp tác tham gia tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông còn quá ít. Thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN và PTNT) trong 5 năm trở lại đây cho thấy, diện tích sản xuất vụ đông được ký hợp đồng liên kết đang giảm dần qua từng năm và số lượng các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông trên địa bàn tỉnh cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vụ đông năm 2014, toàn tỉnh có trên 300ha cây vụ đông được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 6 doanh nghiệp; năm 2015 còn 119ha với 4 doanh nghiệp… Đến vụ đông năm nay, ngoài các mô hình kể trên, chỉ có thêm 29,5ha cây vụ đông được liên kết theo chuỗi. Cụ thể là xã Yên Dương (Ý Yên) liên kết với Cty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Tuệ Minh (TP Nam Định) sản xuất 0,5ha rau các loại; xã Yên Cường (Ý Yên) liên kết với Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) và Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) sản xuất 5ha rau các loại; HTXDVNN Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản) ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ 15ha ngô nếp với Cty TNHH Minh Dương (TP Nam Định); Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh sản xuất rau sạch, rau an toàn liên kết tiêu thụ với các siêu thị BigC, Coopmark, Đức Thành… Mặc dù qua nhiều hợp đồng liên kết ở các vụ cho thấy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông đã phần nào giúp người sản xuất yên tâm về đầu ra sản phẩm, từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất từ nhỏ lẻ manh mún, lạc hậu sang sản xuất có tổ chức, theo quy hoạch, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ; giảm dần việc sản xuất ồ ạt tự phát theo tín hiệu thị trường dẫn đến sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra bị dư thừa, gây tổn thất cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế thực hiện các liên kết trên địa bàn trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, thiếu tính bền vững, thường chỉ được 1-2 vụ rồi chấm dứt. Diện tích liên kết vẫn ở quy mô nhỏ, không đáng kể so với diện tích gieo trồng và sản lượng thực tế nông dân làm ra. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chạy theo lợi ích trước mắt mà chưa tôn trọng các quy tắc hợp tác lâu dài để đảm bảo sản xuất, tiêu thụ ổn định. Theo một số doanh nghiệp, khi tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao song nhiều trường hợp, người dân tự ý bán sản phẩm ra ngoài khi giá thị trường cao hơn, phá vỡ hợp đồng, gây tổn thất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng cũng có doanh nghiệp kém linh hoạt và tinh thần chia sẻ với nông dân khi tham gia liên kết, không thu mua kịp thời sản phẩm cho người dân, hoặc khi giá thị trường rẻ không thu mua cho người dân, khi giá đắt lại yêu cầu nông dân bán đúng theo hợp đồng?! Nhiều năm qua, sản phẩm vụ đông của huyện chủ yếu nông dân tự lo tiêu thụ qua hợp đồng “miệng” với tư thương. Chính sự bị động, thiếu ổn định trong khâu tiêu thụ và các hợp đồng liên kết nên nhiều hộ nông dân không còn “mặn mà” với làm vụ đông. Ngoài ra, định hướng về các loại nông sản, sản phẩm cây vụ đông chưa được một số địa phương quan tâm đúng mức, nhiều hộ nông dân thiếu thông tin về thị trường, sản xuất theo kiểu phong trào, nên khi cung vượt quá cầu dẫn đến hệ lụy khó tiêu thụ, bị thương lái ép giá.
Khắc phục được những bất cập, hạn chế nêu trên là giải pháp đảm bảo các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông phát triển bền vững. Nhà quản lý (Ban Nông nghiệp xã) hay HTX đại diện cho nông dân cần phát huy vai trò, năng lực trong việc đàm phán các hợp đồng liên kết bảo đảm quy định chặt chẽ trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng, có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng và chế tài xử lý để cùng nhau thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và nông dân phải cùng nhau chia sẻ thông tin, lợi ích và cả rủi ro. Về phía người nông dân, muốn sản phẩm cây vụ đông của mình làm ra được người tiêu dùng đón nhận, đạt hiệu quả kinh tế cao thì cần chú trọng sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị cao đáp ứng yêu cầu của thị trường./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh