Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại vùng quê thuần nông tại thôn Hạ, xã Yên Khánh (Ý Yên), từ nhỏ Hoàng Văn Thắng đã thấu hiểu và cảm nhận sự vất vả của người nông dân. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh đã tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và phát triển chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Mô tả ảnh. |
Trang trại của gia đình anh Hoàng Văn Thắng nằm gần cuối thôn Hạ, thuộc vùng đất "chiêm khê, mùa thối". Cả trang trại rộng chừng gần 1ha được quy hoạch quy củ, ngăn nắp, gồm 2 khu chuồng trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; 2 ao cá truyền thống kết hợp nuôi ba ba và vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen, quanh năm 4 mùa hoa trái. Để có được trang trại quy mô như vậy là cả một sự nỗ lực cố gắng, không ngừng vươn lên của anh Thắng. Chia sẻ với chúng tôi về quá trình để xây dựng lên trang trại hiện nay, anh cho biết năm 1996, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ ở Trung đoàn 242 đóng tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Sau 3 năm, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và tham gia vào phát triển kinh tế. Thời điểm đó, kinh tế gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn song với ý chí của một người lính được rèn luyện trong môi trường quân đội cùng với sức trẻ và sự cần cù của người nông dân không chịu khuất phục trước đói nghèo, năm 2004, anh quyết định tìm hướng phát triển từ chăn nuôi theo quy mô trang trại. Được Hội Nông dân xã hỗ trợ, UBND xã tạo điều kiện, năm đó, anh vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT huyện Ý Yên số tiền 20 triệu đồng, cùng với vốn của gia đình vay mượn từ anh em, bạn bè để đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên với số vốn ít ỏi, quy mô sản xuất nhỏ lại chưa có kinh nghiệm nên năng suất và sản lượng thu được rất thấp. Khi xã có chủ trương chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém năng suất sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, anh đã mạnh dạn xin đấu thầu diện tích 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh quy mô trang trại. Được Hội Nông dân giúp đỡ, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn, hợp vệ sinh; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, anh đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi lợn và đào ao thả cá, nuôi trồng thủy sản. Anh đã dày công tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các chủ trang trại có kinh nghiệm để học tập và áp dụng vào điều kiện phát triển của trang trại mình và đã dần thành công. Trong 5 năm gần đây, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm, trang trại của gia đình anh cho thu nhập trên 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài phát triển mô hình VAC, gia đình anh còn nhận làm đại lý cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm, mỗi năm xuất bán hàng trăm tấn thức ăn cung cấp cho bà con nông dân với phương thức trả chậm và làm chủ thầu khoán xây dựng mương máng phục vụ sản xuất nông nghiệp... mỗi năm doanh thu từ đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 400-500 triệu đồng.
Bên cạnh việc giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên, anh Thắng còn giúp về vốn, con giống cho nhiều hộ gia đình nghèo giúp các hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Bên cạnh đó, anh thường xuyên làm tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước; hỗ trợ, ủng hộ các đoàn thể ở địa phương hàng chục triệu đồng mỗi năm, tích cực ủng hộ các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ đồng bào bị hạn hán, lũ lụt miền Trung, ủng hộ mua quà tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi… Đặc biệt, trong xây dựng NTM, bản thân anh và gia đình đã tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ như hiến đất để xây dựng đường giao thông nội đồng; ủng hộ ngày công, đóng góp vật chất để bê tông hóa đoạn đường dài 1km, rộng 3,5m khu vực nghĩa trang nhân dân. Ngoài ra, anh còn ủng hộ để xây dựng trường học, xây nhà văn hóa thôn và mua sắm ủng hộ thiết bị nhà văn hóa thôn.
Để có thành quả như ngày hôm nay, gia đình anh cũng đã trải qua bao khó khăn vất vả nhưng với ý chí vượt khó để vươn lên. Theo anh Thắng, người nông dân muốn làm giàu được thì phải thay đổi cách thức làm ăn nhỏ lẻ, dám nghĩ, dám làm không ngại khó khăn, gian khổ; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, kinh doanh, biết cách tổ chức sản xuất cho phù hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao./.
Hoàng Tuấn