Năm 2018, Sở Xây dựng tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước toàn diện trên mọi lĩnh vực chức năng như quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, phát triển hạ tầng đô thị, không ngừng mở rộng các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn liền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… đảm bảo đúng định hướng “tăng trưởng xanh” của ngành.
Khu dân cư trung tâm thị tứ xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) được đầu tư khang trang đồng bộ. |
Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô công trình. Cùng với đó, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật công trình ngày càng được quan tâm tạo nên các điểm nhấn trong phát triển đô thị. Các quy hoạch trọng tâm được phê duyệt và công bố tạo cơ sở thu hút đầu tư, quản lý xây dựng tại các địa phương như Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hai bên tuyến đường cầu Tân Phong đến năm 2025, Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực Phủ Dầy (Vụ Bản); Quy hoạch xây dựng vùng huyện của 8/9 huyện (trừ huyện Mỹ Lộc) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về xây dựng ở địa phương, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, quy định thuộc lĩnh vực của ngành như: Quy định phân cấp, quản lý cây xanh đô thị; quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh; chương trình phát triển nhà ở tỉnh. Năm 2018, Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng) qua công tác thẩm định, đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 16 tỷ 710 triệu đồng, đồng thời phát hiện nhiều sai sót, đề xuất các giải pháp kỹ thuật khắc phục về kiến trúc, kết cấu, điện, nước,… đảm bảo các thiết kế công trình tuân thủ theo đúng quy chuẩn, quy phạm và tiêu chuẩn áp dụng, giúp chủ đầu tư khai thác tối đa tính năng của công trình, tiết kiệm vốn đầu tư. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; trong đó đã tổ chức sát hạch và cấp 723 chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân, 149 chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức, góp phần chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nâng cao năng lực tư vấn thiết kế, giám sát của ngành Xây dựng. Công tác quản lý chất lượng công trình không ngừng được nâng cao. Năm 2018, Sở đã chỉ đạo Chi cục Giám định xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo, kiểm tra hồ sơ khởi công, hoàn thành công trình; hiện trường thi công xây dựng công trình và ban hành 83 văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu các công trình, hạng mục công trình của chủ đầu tư theo quy định; lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra đối với 2 phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-XD) trên địa bàn tỉnh. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra công trình được thực hiện liên tục, thường xuyên ở mọi lĩnh vực thuộc ngành như: sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình. Trong năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng đã hoàn thành 8 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 5 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Sở. Tổng số tiền thu hồi là 298 triệu đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 445 triệu đồng. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục được cải cách đơn giản, tăng cường áp dụng công nghệ văn bản điện tử trong quản lý hồ sơ, văn bản, thông báo, phủ kín các quy trình ISO để giải quyết thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý Nhà nước về xây dựng. Năm 2018, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 432 hồ sơ trên cổng thông tin dịch vụ hành chính công, đã giải quyết 354 hồ sơ trả đúng hạn và trước hạn, 40 hồ sơ đang trong hạn xử lý, trả lại 38 hồ sơ do chưa hợp lệ. An toàn lao động trên các công trường thi công được đảm bảo, không xảy ra vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng. Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Sở đã triển khai thực hiện các quy hoạch trọng tâm như: Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên), Quy hoạch chung đô thị Rạng Đông đến năm 2040, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nam Định, Quy hoạch khu chức năng đặc thù phía nam đô thị Rạng Đông.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của ngành Xây dựng, trên địa bàn tỉnh, một số công trình đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm tiến độ như dự án khu đô thị và Khu công nghiệp Mỹ Trung, Dự án Bệnh viện 700 giường; Khu đô thị trung tâm các huyện Nam Trực, Trực Ninh; Dự án xây dựng khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần... Hoạt động cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch và giấy phép xây dựng cần được siết chặt hơn nữa, đặc biệt tại địa bàn đô thị các huyện, đối với đất xen kẹt ở đô thị, đất ngoại vi đô thị. Tiến độ xóa bỏ các lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Năm 2019, ngành Xây dựng ưu tiên quản lý xây dựng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng; tăng cường quản lý chất lượng công trình ngay từ khâu “tiền kiểm”; năng lực hành nghề hoạt động xây dựng của các cá nhân và tổ chức. Tiếp tục hỗ trợ các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị đảm bảo đồng bộ, thông suốt, kết nối tốt với hệ thống hiện có. Thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa nông thôn theo đúng quy hoạch. Phối hợp với các sở, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc ngành như hỗ trợ hộ nghèo và người có công với cách mạng về nhà ở. Xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh. Tập trung cao độ thực hiện dứt điểm kế hoạch xoá lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng xây dựng xanh, phát triển vật liệu không nung vì an toàn môi trường. Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã đề ra./.
Bài và ảnh: Đức Toàn